Suy thai trong chuyển dạ và cách đề phòng

Suy thai trong khi chuyển dạ đẻ, khi đã có những cơn co tử cung mạnh và đau làm cho tỷ lệ mổ đẻ và foóc xép tăng lên. Ngoài ra hậu quả của suy thai có thể rất nguy hại cho đứa trẻ sau này như động kinh, đần độn, ngốc nghếch, nói ngọng hoặc có thể để lại di chứng do thiếu ôxy não.

Nguyên nhân

- Về phía mẹ: Các bệnh thiếu máu, suy tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, các bệnh suy thận, suy hô hấp...

- Do thai và rau: Thai kém phát triển, dị dạng, già hoặc quá non tháng, sa dây rau, rau thắt nút, rau quấn cổ...

- Do chuyển dạ: Chuyển dạ kéo dài, cơn co quá mạnh hoặc kéo dài quá, tử cung co cứng.

- Dùng thuốc tăng cơn co quá liều, hoặc do nằm ngửa quá lâu (tử cung đè lên các mạch máu lớn ở bụng).

Chẩn đoán suy thai bằng cách nào?

Có ba dấu hiệu chính là:

- Có phân su trong nước ối, nước ối đổi màu từ trắng đục thành màu xanh, hoặc nước ối có màu vàng thì có thể nghĩ thai nhi đã có lúc bị suy, đây là dấu hiệu đặc biệt có giá trị.

- Tim thai thay đổi nhanh trên 160 lần/ phút, hoặc chậm dưới 100 lần/ phút, hoặc không đều.

- Thay đổi cử động của thai hỗn loạn. Lúc đầu thai cựa mạnh và nhiều hơn, đến giai đoạn sau thai đạp chậm và sau đó thì ngừng, thai không cựa là nguy cơ thai đã chết.

Chú ý:

- Nếu nghe bằng ống nghe thông thường thì tim thai phải được nghe khi không có cơn co tử cung.

- Nếu nghe bằng máy nghe siêu âm thì có thể nghe thấy tim thai cả trong khi có cơn co, lúc này tim thai thường chậm hơn lúc không có cơn co. Nếu có suy thai thì chênh lệch tới 40-60 nhịp/phút.

Điều trị

- Tùy nguyên nhân của tình trạng suy thai để xử lý thích hợp. Nếu có nguyên nhân rõ ràng như sa dây rốn, rau bong non, dọa vỡ tử cung... thì phải mổ lấy thai ngay. Nếu không có nguyên nhân rõ ràng, cho sản phụ nằm nghiêng trái và thở ôxy, tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới có thể chấm dứt được tình trạng suy thai.

- Nếu vỡ ối, phải thăm ngay xem có sa dây rau không, nếu có thể tìm cách đẩy lên trong tư thế nằm - quỳ sấp. Nếu cần chuyển thai phụ lên tuyến trên, sản phụ cũng phải ở tư thế nằm quỳ sấp. Chèn âm đạo bằng gạc, tẩm huyết thanh ấm. Nếu để sản phụ nằm ngửa trên cáng trong ô tô cấp cứu đường xa và xóc có nguy cơ làm tình thế trầm trọng hơn.

Đề phòng suy thai

Cách đề phòng tích cực nhất là:

- Chữa khỏi bệnh mạn tính trước khi có thai.

- Giảm mọi ưu tư phiền muộn cho người phụ nữ khi mang thai.

- Thăm thai thường kỳ 6-8 lần cho mỗi thai kỳ.

- Bảo đảm tăng cân cho mẹ 20% đến cuối thai kỳ bằng dinh dưỡng đủ chất và không bị phù, tăng huyết áp.

- Trong khi chuyển dạ: Giữ mối liên hệ thường xuyên với thân nhân để tránh tình trạng cô đơn, lo lắng, hỗ trợ tâm lý và không để sản phụ nằm ngửa lâu quá một giờ.

- Nữ hộ sinh theo dõi chuyển dạ theo đúng quy trình và thời khắc của sản khoa, tránh để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở tuyến cơ sở. Người hộ sinh đỡ đẻ cũng đồng thời là người theo dõi chăm sóc thai phụ trong khi có thai là lý tưởng nhất.

- Trong phòng chờ đẻ, phòng chuyển dạ đẻ phải có sẵn hệ thống ôxy cho thai phụ sử dụng khi cần thiết.

- Dùng biểu đồ chuyển dạ đẻ phát hiện sớm chuyển dạ kéo dài, kịp thời xử lý hay chuyển lên tuyến cao hơn.

- Không đẩy vào đáy tử cung để mong cho đầu thai chóng lọt...

- Dùng thuốc tăng cơn co phải đúng liều lượng và đúng chỉ định và thực hiện ở nơi có đủ điều kiện theo dõi và xử trí.

Những điều cần chú ý:

- Suy thai chuyển dạ là cấp cứu rất quan trọng trong sản khoa. Để bảo đảm an toàn cho sản phụ và thai nhi, cần có sự theo dõi thật chặt chẽ tiến trình chuyển dạ và không để chuyển dạ lâu quá 24 giờ ở tuyến cơ sở.

- Trong khi chuyển dạ, càng can thiệp nhiều càng suy thai nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Kim Dung
Theo Sức khỏe đời sống