Sức khỏe F0 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên của Việt Nam ra sao?

NDO -

Bệnh nhân Covid-19 mang biến thể Omicron hiện tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.

Các chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức (VGCARE).
Các chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức (VGCARE).

Ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay Bambo Airway QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam có xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 tại sân bay.

Ngay sau đó, hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về Khu cách ly của bệnh viện và được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính (CT: 16.52).

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân K.V.H.M là trở về từ Anh Quốc. Ngày 20/12, Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức (VGCARE) của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.

Ngày 21/12, nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân K.V.H.M kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) với các đột biến trên protein gai (Receptor Binding Domain). So sánh trên hệ thống phân tích cho thấy độ chính xác là 99,99%.

Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.

Sức khỏe F0 nhiễm biến chủng Omicron ra sao? -0
 Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong năm 2021, với sự hợp tác bền vững của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Viện Y học nhiệt đới - Trường ĐH Tuebingen, Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức là một trong những tổ chức nhận được tài trợ của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) trong khuôn khổ chương trình "Trung tâm Phòng chống Đại dịch và Sức khỏe Toàn cầu" cho dự án “Liên minh PAN-AFRICAN về chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bùng phát”.

Tháng 9/2021, Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức đã nhận được tài trợ thiết bị giải trình tự thế hệ mới nhất hiện nay NANOPORE sequencing và 23 bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện được “Tập huấn giải trình tự bộ gene SAR-COV-2 ở đối tượng người Việt Nam trên hệ thống giải trình tự thế hệ mới Nanopore Sequencing” trực tuyến và thực hành trực tuyến từ các chuyên gia đến từ Viện Y học Nhiệt đới Tuebingen trong khuôn khổ tài trợ của DAAD cho dự án PACE-UP.

Cũng trong tháng 9/2021, được sự phối hợp của Học viện Quân Y, Trung tâm đã nhận được hơn 2.000 mẫu RNA của các bệnh nhân dương tính SARS-COV-2 ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Hơn 1.000 mẫu đã được giải trình tự, trong đó 834 mẫu đã được đăng tải lên GISAID (https://www.gisaid.org/), đây là một trang thông tin lưu trữ cung cấp dữ liệu bộ gene của virus cúm và coronavirus gây ra đại dịch Covid-19, cho phép toàn cầu truy cập để cập nhật, ứng phó với đại dịch.

Từ cuối tháng 11/2021, khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng lên và có các ca bệnh xuất hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhóm nghiên cứu của trung tâm đã bắt đầu giải trình tự các mẫu được chẩn đoán xác định (bằng phương pháp RT-PCR) là dương tính với SARS-COV2 trên các bệnh nhân đến khám và sàng lọc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự được 47 bệnh nhân và đăng tải lên GISAID. Trong 47 mẫu bệnh nhân này có 44 mẫu là biến thể Delta - dòng AY.57 (giống đa số các mẫu đã được xác định từ TP Hồ Chí Minh), có 3 trường hợp là biến thể Delta - dòng AY.79 (B.1.617.2.79 - nguồn gốc từ Malaysia).

Tính đến ngày 22/12, Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức (VGCARE) đã đóng góp 40,8% dữ liệu từ Việt Nam trong cơ sở dữ liệu về gene của SARS-CoV-2 (GISAID - đây là cơ sở dữ liệu được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2).