Số người đến khám, điều trị tâm lý ngày một gia tăng

NDO -

NDĐT - TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nếu trước đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày thì hiện nay, mỗi ngày viện tiếp nhận 200 đến 250 bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh - thiếu niên.

GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại hội nghị.
GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại hội nghị.

Sáng 23-11, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị khoa học Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần lần thứ nhất. GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với đội ngũ nhân lực có trình độ cao, cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, Viện Sức khỏe Tâm thần đã trở thành một cơ sở thực hành về chuyên ngành tâm thần, tâm lý lâm sàng của các trường đại học, cao đẳng y tế cả trong và ngoài nước, và đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ cho chuyên ngành tâm thần ở các bậc sau đại học, đại học và trung học chuyên nghiệp.

Trong những năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nắm bắt kịp thời những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trên thế giới, ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần, số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú ngày càng tăng, ngày điều trị trung bình được rút ngắn, đặc biệt công tác khám và tái khám đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh (trung bình 200-250 lượt/ngày); triển khai thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên; công tác hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng ngày càng được củng cố và đẩy mạnh.

TS Nguyễn Doãn Phương cho biết, hiện nay, nhiều vấn đề về tâm lý, bệnh lý tâm thần đã được các gia đình quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đúng mức. Theo một nghiên cứu của viện, các bậc phụ huynh có những khó khăn trong việc nhận diện các vấn đề hướng nội, vấn đề tư duy của trẻ. "Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa vấn đề cơ thể với vấn đề tư duy, vấn đề phát bỏ quy tắc và một số biểu hiện của hành vi hướng ngoại".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS.BS Trịnh Thanh Hương (Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần) cho biết, các phụ huynh nhận diện về sức khỏe tâm thần của trẻ khác nhau, nên những rối loạn biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì nhận diện tốt hơn, nhưng những hành vi "ẩn" thì khó nhận biết. "Tỷ lệ cha mẹ đánh giá trẻ có rối loạn cao nhất là các vấn đề xã hội tới 46%, vấn đề chú ý 27% và vân đề xâm khích 12,7%. Trong khi các bậc phụ huynh đánh giá thấp với vấn đề tư duy chỉ 4,8%, rối loạn lo âu/trầm cảm, phàn nàn cơ thể chỉ 7,9%. Có số lượng lớn các bậc phụ huynh khó khăn trong nhận diện biểu hiện bệnh lý tâm thần ở trẻ em", BS Hương nói.

Hiện nay, mỗi ngày viện tiếp đón từ 200-250 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, còn đang ở độ tuổi đi học. TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe Tâm thần) cho hay, nhiều cháu đến khám có hành vi tự hủy hoại bản thân, cưỡng bức bản thân như dứt mảng tóc, cào xước chân tay... thậm chí có cháu còn rạch tay như một cách để giải tỏa stress vì căng thẳng học hành. "Đặc biệt, trong đó có rất nhiều cháu là học sinh giỏi, học ở những trường chuyên, lớp chọn", BS Tâm nói thêm, những áp lực này do tác động môi trường, do áp lực học hành khiến trẻ bị nhiễu thông tin, nhiều trăn trở và dẫn tới mất định hướng.

Tuy nhiên, cũng theo BS Tâm, hiện nay ngành tâm lý vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức và đang phát triển muộn tại Việt Nam. Để can thiệp tâm lý là một quá trình dài và phải có phương pháp can thiệp bài bản. Do đó, tới đây, Viện Sức khỏe Tâm thần chú trong phát triển mạnh về lĩnh vực này để can thiệp, trị liệu tâm lý cho các rối loạn về tâm lý trong xã hội hiện đại ngày nay.

Hội nghị khoa học Tâm lý lâm sàng lần thứ nhất được tổ chức nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của cán bộ tâm lý trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và trong ngành y tế nói chung. Hội nghị là cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hỗ trợ, can thiệp, cập nhật các kiến thức mới, báo cáo kết quả các nghiên cứu đã thực hiện trong những năm vừa qua về các phương pháp chẩn đoán và trị liệu tâm lý, các mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng tâm lý cho người bệnh tâm thần, các nghiên cứu khoa học về vai trò của tâm lý lâm sàng trong các lĩnh vực của cuộc sống.