Sẵn sàng kịch bản 40.000 ca nhiễm, Hà Nội tập trung giảm bệnh nhân chuyển nặng

NDO -

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kịch bản đối phó với tình huống có 40.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó, chiến lược của Hà Nội là tập trung vào điều trị tại tầng 1 để giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. 

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Hà Nội sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ làn sóng dịch Covid-19, Hà Nội ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 5-6% bệnh nhân nặng và nguy kịch (bệnh nhân tầng 3). Hiện Hà Nội đang chỉ định Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là 2 cơ sở y tế tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Trong số này, có khoảng 40-50 bệnh nhân đang được can thiệp thở máy, lọc máu, thở oxy dòng cao. Một trường hợp đầu tiên được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã bình phục sức khỏe sau gần 50 ngày nằm viện và đã được xuất viện chiều 17/9. 

Trước tình hình dịch còn diễn biến khó lường, ông Hưng cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu xây dựng kịch bản với 40.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 32.000 trường hợp sẽ được điều trị tại tầng 1 -  tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp điều trị tại tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch. Hiện sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng.

Theo ông Hưng, tầng 1 sẽ được theo dõi sát cao, nếu cần thiết sẽ cho thở oxy, dùng thuốc chống đông, kháng viêm ngay để hạn chế chuyển tầng 2. 

Tại tầng 2, Hà Nội huy động các bệnh viện đa khoa hạng 2 có đầy đủ cơ sở hạ tầng để điều trị bệnh nhân chuyển từ tầng 1.

"Mục tiêu chung của Hà Nội là hạn chế tối đa chuyển tầng, tập trung điều trị, chăm sóc tốt bệnh nhân ở tầng 1, 2 để hạn chế chuyển lên tầng 3. Ở tầng 3, Hà Nội đã chỉ định 4 bệnh viện đa khoa hạng 1, gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có nhân lực và trang thiết bị hồi sức cấp cứu tốt nhất để cứu sống các trường hợp nặng", ông Hưng nói. 

Để nắm chắc tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19, hằng sáng, Sở Y tế Hà Nội tổ chức giao ban với các bệnh viện qua 81 điểm cầu, nghe báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện và chỉ đạo trực tiếp hằng ngày, tham gia hội chẩn những trường hợp nặng. Thông tin được trao đổi liên tục và  thông suốt giữa các tuyến.

Sở Y tế Hà Nội cũng tổ chức các lớp tập huấn cho bác sĩ ở tầng 3 với chuyên gia của các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương… và có điểm cầu trực tuyến từ TP Hồ Chí Minh.

"Những kinh nghiệm điều trị tại TP Hồ Chí Minh giúp ích rất nhiều cho các cơ sở điều trị tại Hà Nội", ông Hưng nói.

Sẵn sàng kịch bản 40.000 ca nhiễm, Hà Nội tập trung giảm bệnh nhân chuyển nặng -0
 Hà Nội tăng cường xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đưa y tế tới gần dân

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, cuộc chiến chống Covid-19 còn nhiều thách thức, người dân cần nhận thức rõ nguy hiểm của bệnh Covid-19, hiểu các biện pháp phòng, chống bệnh.

Ông Hưng cảnh báo, dù người dân đã tiêm vaccine mũi 1 nhưng nguy cơ nhiễm bệnh vẫn xảy ra, do đó phải tuân thủ 5K, tuân thủ quy định giãn cách, tiêm phòng Covid-19. Nếu mỗi người dân ý thức được tốt không bị nhiễm Covid-19, sẽ tự bảo vệ bản thân và bảo đảm an toàn cho gia đình, làng xóm, cộng đồng.

Liên quan việc người khỏi Covid-19 tình nguyện tham gia hỗ trợ điều trị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết với tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội đã có dự kiến nhưng chưa cần thiết huy động lực lượng này.

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội đã có danh sách, và sẵn sàng động viên, huy động người khỏi Covid-19 tham gia hỗ trợ thầy thuốc. 

Hà Nội cũng đang chỉ đạo thành lập trạm y tế lưu động tại quận, huyện để sẵn sàng ứng phó nếu tình hình dịch xảy ra.

Tại buổi làm việc mới đây nhất với Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người, với phương án bảo đảm về nhân lực và nguồn lực cho các khu cách ly. Hiện nay, thành phố đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.

Với việc xây dựng phương án 40.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%), thành phố đã có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các cơ sở điều trị hoạt động hiệu quả.

Ông Dũng khẳng định, qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong toả. Hà Nội nguy cơ cao mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.

Thứ trưởng cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/cụm công nghiệp vì “dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau”.

Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.
 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan