Những tai biến khó lường do tiêm thuốc vào khớp

Biến chứng từ những mũi tiêm

Anh Nguyễn Văn Ch. (Lục Nam, Bắc Giang) đau khớp gối, không sưng. Bác sĩ ở xã tiêm cho anh 4 mũi thuốc mầu trắng, không biết là thuốc gì, mỗi ngày một mũi. Gần một tháng sau, anh phải nhập viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao 39 độ, khớp sưng, nóng, đỏ, đau, không đi lại được, chọc dịch khớp gối thì phát hiện là dịch mủ. Vì vậy, anh phải dùng kháng sinh liều cao và mổ dẫn lưu mủ. Cùng có triệu chứng bệnh như anh Ch., anh Nguyễn Hữu Tr. (Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội) đã nhập Viện E vào ngày 31-12-2006. Trước đó, một bác sĩ tư không đúng chuyên khoa đã tiêm thuốc Corticoide vào khớp gối trái cho anh. Lần đầu thấy giảm đau nhanh nhưng đến lần thứ hai thấy đau hơn trước, sưng đỏ tấy nên anh đã đến bệnh viện để khám.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lực - Phó Giám đốc Trung tâm xương khớp Bệnh viện E: "Những triệu chứng đó cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm khuẩn ổ khớp sau tiêm: sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp; tràn mủ khớp, toàn thân rét run, hạn chế vận động, kết quả xét nghiệm bạch cầu cao, máu lắng tăng. Hầu hết những bệnh nhân này đã không được tiêm đúng thuốc, đúng liều, đúng kỹ thuật và không bảo đảm những quy tắc vô khuẩn khi tiêm. Trong năm 2006, Trung tâm xương khớp - Bệnh viện E cũng đã tiếp nhận hàng chục trường hợp nhiễm khuẩn ổ khớp sau tiêm. Chúng tôi đã gửi nhiều thông báo phản hồi về các nơi để xảy ra những trường hợp như vậy".

Tiêm khớp để điều trị một số bệnh lý khớp và tổ chức phần mềm quanh khớp là một phương pháp đơn giản, an toàn và có hiệu quả cao. Trên thực tế, do thiếu hiểu biết kiến thức y học, nhiều người chỉ nghe theo lời khuyên của ai đó hoặc nghe theo quảng cáo tự đi mua thuốc và nhờ người tiêm hộ tại nhà. Có nhiều bệnh nhân còn sử dụng thuốc chống viêm để tiêm vào khớp, trong khi nó được chỉ định chỉ tiêm vào bắp hoặc dưới da. Có những bệnh nhân bị tiêm vào nhiều nơi trong cơ thể hoặc nhiều lần ở cùng một vị trí. Có người còn thích được "thủy châm" vào chỗ đau bất cứ lúc nào, hoặc tiêm thuốc với những liều lượng bất kỳ, không ai kiểm soát. Những bất cẩn đó tạo ra những gánh nặng không đáng có cho các bệnh viện.

Đừng để "tiền mất, tật mang"

Nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu, bệnh của anh Ch. chỉ mất vài ngày là khỏi, thay vì phải nằm viện 2 tháng trời. Để giảm đau khớp thông thường, bệnh nhân chỉ mất hơn 100.000 đồng tiền thuốc. Nhưng nếu khớp đã bị nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh liều cao, phải mổ dẫn lưu mủ nên số tiền lên tới hàng chục triệu đồng, đấy là chưa kể nguy cơ bị di chứng cứng khớp. Bên cạnh đó, nếu tiêm quá nhiều, tiêm sai thuốc, bệnh nhân có thể sẽ bị biến dạng cơ thể (hội chứng giả Cushing), teo cơ, yếu các chi, dính khớp, thậm chí dẫn đến liệt toàn thân.

Theo PGS-TS. Trần Ngọc Ân - Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam - thì chỉ được tiêm vào khớp trong các trường hợp sau đây: khi điều trị các bệnh viêm gân, dây chằng quanh khớp; viêm khớp dạng thấp (không do vi khuẩn); bệnh thoái hóa khớp mức độ nhẹ hoặc trung bình; bệnh gút và giả gút; điều trị đau dây thần kinh tọa. Còn đối với cột sống, có thể sử dụng thuốc tiêm ngoài vùng cứng, hoặc tiêm dung dịch treo (dung dịch hấp thu chậm) vào cột sống. Hiện nay, chỉ có ba loại thuốc được chỉ định tiêm vào khớp và cột sống: Hydrocortison acetate; Depomedrol; Diprospan. Tuyệt đối không được tiêm các loại thuốc khác, kể cả thuốc kháng sinh và vitamin, vì chúng sẽ gây nên tai biến tại chỗ, rất khó điều trị khắc phục.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lực - Phó Giám đốc Trung tâm Xương khớp (Bệnh viện E): "Cần thận trọng chỉ định tiêm khớp trong các trường hợp tiểu đường, suy giảm miễn dịch, tăng huyết áp. Ở những bệnh nhân này cần được điều trị, kiểm soát tốt bệnh chính. Đặc biệt, không tiến hành tiêm đối với những trường hợp đang có viêm nhiễm khuẩn tại khớp, tại da vùng tiêm, toàn thân hoặc chưa loại trừ nhiễm khuẩn".

PGS-TS Trần Ngọc Ân cũng khuyến cáo rằng: "Nếu có bệnh về xương khớp, dù nặng hay nhẹ, đều cần đến bác sĩ chuyên khoa xương khớp để khám và điều trị kịp thời. Để bảo đảm an toàn, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ: dùng thuốc đúng liều, đúng bệnh, tiêm đúng cách tại các cơ sở y tế có phòng thủ thuật đủ điều kiện vô khuẩn và khử khuẩn".

Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, khoa Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, cho biết: "Những người bị nhiễm khuẩn ổ khớp sau tiêm mà bệnh đã nặng mới tìm đến bệnh viện thì dù có được mổ, khớp vẫn có thể bị dính và để lại di chứng, vẫn có thể bị nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong.