Mỗi năm, gần 40 nghìn người tự tử vì bệnh trầm cảm

NDO -

NDĐT – Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện” tại Viện Sức khỏe Tâm thần diễn ra chiều 4-4.

Mỗi năm, gần 40 nghìn người tự tử vì bệnh trầm cảm

200 người bệnh khám và điều trị vì trầm cảm/ngày

Theo WHO, có khoảng 298 triệu người mắc trầm cảm trong năm 2010 (chiếm 4,3% dân số toàn cầu). Theo một nghiên cứu khác ở Mỹ năm 2014, có khoảng 17.6 nghìn người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý tưởng tự sát và 24% những người có toan tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.

PGS, TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam chia sẻ, trầm cảm là một bệnh lý phức tạp với 13 thể trầm cảm. Có nhiều thể giống hệt chấn thương, nhiều thể giống hệt bệnh nội khoa… nhiều khi không thể phân biệt, cần phải hội chẩn nhiều lần mới biết rối loạn trầm cảm.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, Viện khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%).

TS, BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân liên quan Stress cho biết, trung bình mỗi ngày có 200 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Trong đó, có từ 10-20 người phải nhập viện điều trị vì trầm cảm nặng.

Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Phụ nữ trong giai đoạn sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Hội chứng này này cũng gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp, nhân cách yếu, nét nhân cách dễ bị tổn thương. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson... Trầm cảm là yếu tố nguy cơ của một số bệnh lý tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp.

Rối loạn trầm cảm tái diễn sẽ có hành vi tự sát

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện năm 2016 ở những người bệnh từ 45 tuổi bị trầm cảm, có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Đa số tự sát do người bệnh cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần vừa qua, một người bệnh 79 tuổi được người nhà đưa vào khoa cấp cứu với triệu chứng im lặng, không nói năng với ai và có ý định tuyệt thực. Người nhà cho biết là bệnh nhân có bệnh sử lâu dài về trầm cảm và đã từng nhập viện 4 lần.

Bác sĩ Phương cho biết, đây là ca bệnh mắc rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện giai đoạn nặng có hành vi tự sát. Người bệnh này tái phát trầm cảm ba tuần trước với triệu chứng thường xuyên khóc và than phiền về sự sụt giảm thể lực, ngủ ít, mệt mỏi, gầy sút 3 kg trong ba tuần. Trước khi vào viện ba ngày, người bệnh rơi vào trạng thái sầu não, khóc lóc, lảm nhảm nói về cái chết, luôn mồm xin người nhà vì đã làm khổ họ. Ngày sau đó, người bệnh im lặng và tuyệt thực để chờ chết. Gia đình đưa bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, sau khi được bù nước trở lại, người bệnh đã được nhập viện vào Viện Sức khỏe tâm thần.

Một ca bệnh khác cũng đang điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần là một người bệnh nữ, 21 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của một trường Đại học. Sau khi chia tay người yêu, cùng áp lực ở trường học, nữ sinh viên này mất ngủ, chán ăn, gầy sút 4 kg trong sáu tuần. Ngoài việc thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì, nữ sinh viên còn rơi vào trạng thái khóc lóc, cáu gắt, giận dữ và bộc lộ với gia đình về ý định chán sống. Đây là một trường hợp điển hình bị rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần nhưng có ý tưởng tự sát.

Tại hội thảo, TS, BS Dương Minh Tâm chia sẻ, những năm gần đây trầm cảm do stress rất nhiều do sang chấn tâm lý vì các bệnh thần kinh, nội khoa, sử dụng thuốc… 30-50% số người bệnh không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa vì ít được quan tâm đến triệu chứng cảm xúc mà chủ yếu là sự than phiền về cơ thể.

Một thách thức hiện nay theo các bác sĩ điều trị rối loạn tâm thần ở Việt Nam là phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm. 80% bệnh nhân trầm cảm thường chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Hơn nữa, điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị.

Bác sĩ Tâm cho biết, trong thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỉ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ hai và sau cơn tái diễn thứ ba là 90%. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó người bệnh vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác. Một thuốc điều trị chống trầm cảm lý tưởng bên cạnh cân bằng giữa hiệu quả và tác dụng phụ, còn giúp bệnh nhân phòng ngừa tái diễn, tái phát, giải quyết các triệu chứng còn tồn tại sẽ đáp ứng những trăn trở trong điều trị trầm cảm.

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo người dân, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng chỉ có tỷ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Tuy nhiên, rối loạn trầm cảm là rối loạn có thể chữa được để người bệnh ổn định và tái hòa nhập với xã hội, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng để bệnh nhân tuân thủ điều trị. Vì thế, khi phát hiện trầm cảm, ngoài sự phối hợp của các chuyên khoa, gia đình của người bệnh và cộng đồng thì bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để sớm phát hiện bệnh lý, điều trị đúng chuyên khoa.

Biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm

Cảm giác buồn chán, trống rỗng

Khó tập trung suy nghĩ, hay quên

Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì

Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng

Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều

Hay cáu gắt, giận dữ

Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày

Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều

Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…