Liên tục hơn 600 ca Covid-19, Đồng Tháp chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch

NDO -

Từ ngày 29/11 đến nay, mỗi ngày tỉnh Đồng Tháp có hơn 600 ca mắc Covid-19. Tỉnh cũng ghi nhận từ 4 đến 7 ca Covid-19 tử vong/ngày.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm hỏi, động viên các y bác sĩ đang điều trị F0 tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm hỏi, động viên các y bác sĩ đang điều trị F0 tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự.

Đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 23.906 ca nhiễm Covid-19. Riêng trong ngày 3/12, tỉnh ghi nhận 608 ca mắc mới và 4 ca tử vong, trong đó có 1 trường hợp 46 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị là 7.249 ca, trong đó có 161 trường hợp nặng và rất nặng. Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp Tạ Tùng Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 ca điều trị F0 tại nhà. Nhiều địa phương bước đầu đã mạnh dạn cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà.

Chiều 3/12, tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, trong tuần qua, các địa phương có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, đặc biết là số ca nhiễm trung bình mỗi ngày vẫn khoảng 600 ca. Có địa phương hôm nay chỉ dưới 20 ca/ngày, nhưng qua ngày sau đã vượt 100 ca/ngày.

“Tôi yêu cầu mỗi địa phương phải có sự linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, mắc bệnh nền. Trong quản lý cấp độ dịch cần phải có đánh giá và thông báo kịp thời cho người dân nắm. Do đó, nếu địa phương nào không xác định rõ cấp độ dịch trên địa bàn sẽ tạo ra sự lây lan cho người dân nơi khác đến, cũng như tạo tâm lý chủ quan cho người dân trên địa bàn”, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa đề nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường đi cơ sở hoặc giao cho một đồng chí cấp ủy đi cơ sở, tìm hiểu rõ những vấn đề còn vướng trong việc xác định nguồn lây của các ổ dịch, trong điều trị F0, tiêm vaccine… Từ thực tiễn đi cơ sở để có những đúc kết và giải quyết cụ thể từng vấn đề, đặc biệt là trong xác định nguồn lây, để biết nguyên nhân do đâu có nhiều ca lây nhiễm.

Qua đi cơ sở, đồng chí Lê Quốc Phong cho biết vẫn có tình trạng bỏ sót F1 tiếp xúc gần mà không đưa đi cách ly hoặc không theo dõi kỹ, cách ly theo quy định tại nhà. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa chưa tốt, dẫn đến lây lan trong khu vực phong tỏa.

“Phong tỏa phải cho ra phong tỏa, phải chặt chẽ, dù phong tỏa 1 hay 2 nhà. Vì phong tỏa rồi vẫn còn đường giao tiếp, không còn dây phong tỏa, mà lại không kiểm tra, không nhắc nhở sẽ dẫn đến lây nhiễm chéo. Ngoài ra các địa phương phải chấn chỉnh ngay việc theo dõi xét nghiệm cho trường hợp F1, vì tôi phát hiện nhiều trường hợp, nhiều địa phương xét nghiệm không đủ ngày, dẫn đến không phát hiện ca nhiễm kịp thời, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đề nghị các địa phương khắc phục ngay trong việc theo dõi, điều trị F0. “Tôi có đến tận nhà trường hợp nhiễm F0, hỏi ra mới biết không ít trường hợp không được theo dõi kịp thời sức khỏe hằng ngày, những nhóm chỉ số CT dưới 30, thậm chí dưới 20 được điều trị tại nhà nhưng không được thường xuyên khám hoặc theo dõi. Nếu các bệnh nhân này trở nặng tại nhà thì năng lực y tế xã khó mà kịp thời xử lý tình huống. Do đó, tôi đề nghị các xã phải nắm cho được thông tin, theo dõi sức khỏe và thống nhất trong vận hành điều trị, khám bệnh cho F0 tại nhà”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.