Lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch

Chiều 29/11, trao đổi với báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa học sinh THPT trở lại trường học; đồng thời lên ngay phương án đưa học sinh THCS trở lại trường học. Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trở lại trường; trước mắt, thực hiện đối với các đơn vị xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ ngày thứ hai (6/12). Việc đưa học sinh trở lại trường học phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết. Người đứng đầu các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch, sẵn sàng khi học sinh đến trường.
  
Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng các tình huống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi-rút SARS-CoV-2. Trong đó, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch. Các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 36 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Các địa phương triển khai theo hình thức tiêm hạ dần độ tuổi, tiêm trước cho trẻ bậc THPT, sau đó hạ dần. Hiện nhiều địa phương đã tiêm cho trẻ lớp 8, lớp 9. Các địa phương đã tiêm được 3.427.977 liều vắc-xin, trong đó có 2.892.168 liều mũi một và 535.809 liều mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 31,7% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là 5,9% dân số từ 12 đến 17 tuổi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thông báo tìm người đã đến các địa điểm sau: Nhà hàng Doncook (số 130 phố Trung Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); Trụ sở Công ty IFC (số 9 Lô 1G-Khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 27/11 (tại các địa điểm này ghi nhận bốn nhân viên mắc Covid-19)  chủ động tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế nơi cư trú để được tư vấn và hướng dẫn. Ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận 390 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tại cộng đồng 220 ca. Đây là ngày TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay.

Ngày 29/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.770 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 13.758 ca ghi nhận trong nước (tăng 830 ca so với ngày 28/11) tại 59 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều là: TP Hồ Chí Minh 1.554 ca, Cần Thơ 913 ca, Tây Ninh 719 ca, Bình Dương 697 ca… Trong ngày cũng có 16.088 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 173 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay đã có sáu doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Trường hợp Bộ Y tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc Molnupiravir trong nước. 

Bộ Y tế cũng cho biết, chương trình sử dụng thí điểm đưa thuốc Molnupiravir điều trị có kiểm soát F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã triển khai tại 36 tỉnh, thành phố với số lượng thuốc phân bổ gần 250.000 liều, cho hiệu quả tốt. Theo đó, các báo cáo giữa kỳ cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt,  hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi-rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ người bệnh; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02% đến 0,06% và không có ca nào tử vong liên quan thuốc.