Không kiểm soát chặt người dân về tự phát, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan

NDO -

Ngay khi vừa nới lỏng giãn cách vào đầu tháng 10, hàng trăm nghìn người dân lại rời khỏi các tỉnh, thành phố phía nam để trở về quê hương. Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh khi đã ghi nhận những ca dương tính trong đoàn người này, nhiều địa phương đang kích hoạt lại các phương án phòng, chống dịch.

Dòng người đổ từ Đồng Nai về các tỉnh miền tây. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)
Dòng người đổ từ Đồng Nai về các tỉnh miền tây. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Việc dòng người tự phát trở về địa phương gây ra sự lây lan của dịch bệnh đã để lại hậu quả rất lớn cho các tỉnh phía nam vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua. Dịch nhanh chóng lan rộng từ TP Hồ Chí Minh sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… và sau đó lan ra 18 tỉnh phía nam. Các tỉnh miền trung và bắc cũng chịu những hậu quả nặng nề khi phải giãn cách xã hội. 

Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi các địa phương phía nam được nới lỏng giãn cách, người dân lao động lại tiếp tục ùn ùn chạy khỏi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… - nơi có tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 cao để ngược dòng về quê. Có những người dân dịch chuyển hơn 2.000 km bằng xe máy về các tỉnh miền núi phía bắc, đi qua rất nhiều tỉnh, thành phố. Nguy cơ lây lan dịch là tất yếu khi trong dòng người này, có những người có thể nhiễm SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng.

Ngày 7/10, tỉnh Yên Bái ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 là trường hợp di chuyển bằng xe máy từ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương từ ngày 3/10 về Yên Bái. 2/3 trường hợp này ở cùng nhà với 3 F0 tại Bình Dương (ngày 2/10).

Đến ngày 6/10, những người này đến chốt kiểm dịch y tế xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, chủ động khai báo y tế, được đưa đi cách ly tập trung ngay và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, 3 trường hợp trên được chuyển ngay sang khu cách ly và điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, hiện sức khỏe ổn định.

Tại Sóc Trăng, tính đến chiều 6/10, tỉnh đã tiếp nhận gần 40.000 người từ các tỉnh trở về, trong đó tiến hành cho cách ly tập trung là 23.000 người và cách ly tại nhà trên 10 nghìn người. Tỉnh đã tổ chức xét nghiệm lần 1 được 20.057 người và phát hiện có 102 F0.

Các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng đang phải kích hoạt trở lại toàn bộ các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng để sẵn sàng tiếp nhận công dân trở về từ các tỉnh, thành phố. Cà Mau ghi nhận gần 21.000 công dân từ nhiều tỉnh, thành phố trở về địa phương; tất cả được đưa vào các khu cách ly tập trung và đã ghi nhận hơn 160 trường hợp nhiễm Covid-19. Tình trạng này cũng diễn ra với các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang…

Trước một sự di cư lớn tự phát, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh này rất cao, trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương này còn rất thấp. Bên cạnh đó, sẽ có không ít trường hợp để được về gia đình mà khai báo y tế không trung thực, thiếu tinh thần hợp tác, giấu tình trạng sức khỏe. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công tác sàng lọc ban đầu.

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, trong những người trở về TP Hồ Chí Minh và 1 số địa phương vừa qua có tỷ lệ lây nhiễm cao, chắc chắn sẽ vẫn có những người dương tính với SARS-CoV-2.

Do đó, nếu những người này về mà không có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, tuân thủ 5K sẽ tạo ra những đường lây khi đi qua nhiều địa phương khác nhau để trở về quê. Nếu họ không khai báo trung thực sẽ rất khó cho cơ quan chức năng phân loại để cách ly hợp lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi thực hiện cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm chéo hoàn toàn có thể xảy ra.

Đặc biệt, ông Phu lưu ý, nếu dòng người này trở về địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ bùng phát dịch, gây ra hệ lụy tạo gánh nặng cho hệ thống điều trị, thậm chí các đối tượng nguy cơ cao dễ nhiễm, có thể tử vong.

“Tôi cho rằng các địa phương phải kiểm soát chặt số lượng bao nhiêu người về địa phương và phải kiểm soát được 100% số người đó, thực hiện xét nghiệm, cách ly theo quy định để hạn chế lây lan, bảo đảm an sinh cho người dân. Các địa phương phải tính toán kỹ việc thực hiện cách ly tại nhà hay cách ly tập trung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong các khu cách ly tập trung, cần phải kiểm soát chặt vấn đề lây nhiễm chéo, phải triệt để gia đình cách ly với gia đình, tuân thủ 5K trong phòng dịch”, ông Phu nói.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, nguy cơ lây lan dịch rất cao sau việc dòng người trở về từ các địa phương có dịch và ngay từ bây giờ, các địa phương đón công dân phải làm chặt, phải kiểm soát dịch từ bên ngoài vào.

“Chúng ta xác định không thể zero Covid-19, nhưng nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn cứ phải phong toả các ổ dịch tránh lây lan, nhưng phong tỏa phải theo nguy cơ, gọn và hẹp nhất có thể để không gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội người dân”, ông Phu nói.

Trước nguy cơ quá tải hệ thống y tế ở nhiều địa phương, nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần phải tăng tốc hơn nữa tiêm vaccine để sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan