Không coi nhẹ phục hồi tâm lý sau khi mắc Covid-19

NDO -

Sau nhiễm Covid-19, bệnh nhân cần thời gian phục hồi về mặt sức khỏe, thể trạng và đặc biệt không thể xem nhẹ những vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu. Trị liệu tâm lý là một hành trình dài nhưng cần thiết để giúp người bệnh sau khi vượt qua được Covid-19 trở về với cuộc sống bình thường.

Hỗ trợ tâm lý cho người bệnh nhiễm Covid-19 rất quan trọng. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Hỗ trợ tâm lý cho người bệnh nhiễm Covid-19 rất quan trọng. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Trầm cảm, stress, rối loạn tâm thần sau điều trị Covid-19

Các chẩn đoán của vấn đề tâm thần trong đại dịch chủ yếu các nhóm triệu chứng ám ảnh về dịch bệnh; cảm xúc buồn rầu, mất hy vọng; rối loạn giấc ngủ, dễ bùng nổ cảm xúc và có phản ứng mạnh hơn trước… Với tỷ lệ bệnh nhân gặp nhiều sang chấn tâm lý sau khi điều trị Covid-19, nhiều bệnh viện dã chiến đã thành lập tổ tư vấn sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân.

Theo kết quả kháo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy gần đây nhất, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%. Có đến  66,7%  bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm. Tỷ lệ những bệnh nhân từng thở ô-xy qua mặt nạ, hoặc thở máy có tỷ lệ rối loạn lo âu cao lên tới 66,7%.

Đặc biệt, có 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

Anh Trương Quốc Phong, bệnh nhân Covid-19 từng vượt qua đại dịch tâm sự, anh thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, lo âu. Các đêm ngủ không sâu giấc và chỉ dám ngủ 1-2 tiếng lại tỉnh vì ám ảnh do từng bị suy hô hấp nặng trong lúc ngủ.

Anh Nguyễn Phi Long sau khi được các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai giành giật sự sống từ cửa tử cũng gặp những sang chấn tương tự. Dù đã được về nhà, nhưng anh vẫn có lúc nghĩ quẩn đến việc tự tử dù vì cơ thể gặp nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới phổi, tim,thận sau dịch. Anh thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ, lo âu và không có động lực sống.

Bác sĩ Vũ Quang Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực 3, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại trung tâm, có nhiều bệnh nhân dù diễn biến không nặng nhưng cũng có biểu hiện lo lắng, rối loạn tâm thần và ám ảnh về bệnh tật. Trường hợp anh Nguyễn Phi Long là một trong số những bệnh nhân như vậy.

“Có trường hợp bệnh nhân trẻ stress, liên tục đòi cắn lưỡi tự tử, gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị. Những bệnh nhân ấy cần có thêm thời gian và sự động viên của gia đình để vượt qua những sang chấn tâm lý”, bác sĩ Ngọc nói. 

Không coi nhẹ phục hồi tâm lý sau đại dịch -0
 Các nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi bệnh nhân Nguyễn Phi Long. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai)

Trạng thái rối loạn tâm thần tới mức đòi tự tử là một thách thức trong công tác điều trị của các y, bác sĩ. Nhưng tình trạng này diễn ra ở rất nhiều bệnh viện dã chiến khi người bệnh chịu nhiều tổn thương do nhiễm Covid-19. Nhóm người dễ gặp những rối loạn về tâm thần nhất là người cao tuổi, trẻ em, thanh thiếu niên hoặc những người gặp stress, có nhiều gánh nặng cuộc sống, không có nghề nghiệp ổn định, nhóm người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đó.

Bác sĩ Vương Đình Thùy, tổ tư vấn sức khỏe tâm thần của Bệnh viện dã chiến 16 TP Hồ Chí Minh chia sẻ thực tế, anh từng điều trị cho một bệnh nhân nam 56 tuổi nhiễm Covid-19 nặng. Người đàn ông này là trụ cột gia đình, nên khi sức khỏe suy yếu có triệu chứng buồn chán, trầm cảm, có suy nghĩ tuyệt vọng, có ý định tự sát. “Chúng tôi phải sử dụng phác đồ cấp cứu, giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn, sử dụng thuốc tâm thần tốt nhất và hỗ trợ tâm lý hàng ngày”, bác sĩ Thùy cho hay.

Có trường hợp dù gia đình và bản thân đã vượt qua bệnh tật, nhưng ám ảnh về cái chết và lo sợ mất đi người thân khiến họ chỉ có ý muốn tự sát. Bệnh nhân N.T.H tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những trường hợp như vậy. 

Ở giai đoạn đầu điều trị, bệnh nhân N.T.H luôn trong tình trạng loạn thần, rối loạn tri giác, không phối hợp điều trị, tự ý tháo máy HFNC và nhiều lần có ý định nhảy lầu, cắn lưỡi tự tử vì nghĩ rằng chồng con đã mất do Covid-19.

Để giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, ê-kíp điều trị đã thường xuyên liên hệ với gia đình bệnh nhân, phối hợp với thân nhân người bệnh để áp dụng tâm lý trị liệu cho bệnh nhân, đồng thời đánh giá, theo dõi sát sao quá trình điều trị. Sau khi điều trị cho bệnh nhân qua giai đoạn loạn thần cấp, bệnh nhân đã khỏi bệnh, hoàn toàn tỉnh táo, được xuất viện. Ngày xuất viện, bệnh nhân N.T.H đã khóc như mưa và gửi lời xin lỗi y, bác sĩ. 

Cần quan tâm việc phục hồi tâm lý cho các F0 sau đại dịch

Các chuyên gia tâm lý cho biết, sau khi trải qua căng thẳng, thậm chí trải qua được ranh giới mong manh của sự sống, bất kỳ ai cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, có những lo lắng, cảm xúc không ổn định. Tuy nhiên, mỗi người đều phải tìm cách để vượt qua nó bằng việc tự nỗ lực bản thân hoặc nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, tổ tư vấn sức khỏe tâm thần của Bệnh viện dã chiến 16 TP Hồ Chí Minh, trong quá trình cách ly, điều trị do nhiễm Covid-19, mặc dù khi cơ thể bệnh nhân được điều trị đã tốt hơn, khỏe mạnh xuất viện nhưng ảnh hưởng tâm lý sẽ còn kéo dài.

“Từ thực tế, chúng tôi thấy bệnh nhân các vấn đề thường gặp tương đối cao ở bệnh nhân là trầm cảm, lo âu. Cùng với đó, có một số người sau khi nhiễm Covid-19 cũng tăng việc sử dụng chất kích thích để họ tránh trạng thái căng thẳng liên quan đến Covid-19”, bác sĩ Yến nói.

Không coi nhẹ phục hồi tâm lý sau đại dịch -0
 Nhiều bệnh nhân mất ngủ, rối loạn lo âu, suy nghĩ thiếu tích cực về cuộc sống cần hỗ trợ tâm lý. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Theo một số nghiên cứu trên thế giới, 1/3 bệnh nhân khỏi mắc chứng rối loạn tâm thần trong vòng 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh như mất ngủ, rối loạn lo âu. Vì thế, không thể xem nhẹ vấn đề rối loạn tâm thần và một số đối tượng cần phải được theo dõi và hỗ trợ tâm lý.

“Khi người bệnh gặp stress mà không được hỗ trợ tâm lý sớm có ý nghĩa phòng ngừa hoặc giảm bớt nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng mắc tâm thần nặng”, bác sĩ Yến khuyến cáo.

Các bác sĩ cũng bày tỏ, các nhà khoa học cần sớm có nghiên cứu và đánh giá sức khỏe tiềm ẩn của người bệnh sau đại dịch, nghiên cứu sâu hơn về virus SARS-CoV-2 và rối loạn tâm thần để chẩn đoán các bệnh lý tâm lý càng sớm càng tốt, để có những biện pháp can thiệp giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, tâm lý sau đại dịch. 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan