Không chủ quan với mùa dịch sốt xuất huyết

NDO -

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã có 221 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó những quận, huyện có số ca mắc nhiều nhất là Đống Đa với 49 ca, Hai Bà Trưng 38 ca, Hoài Đức 35 ca, Nam Từ Liêm 14 ca.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm hơn 50%. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cùng mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và lây bệnh.

Thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng. Chính vì vậy, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tiếp tục tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo chu kỳ bốn năm một lần, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở khu vực này, trong đó Hà Nội có 37.651 ca mắc và bảy trường hợp tử vong. Năm 2021, đúng vào chu kỳ nói trên nên dự báo tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. Điều này đặt ra cho các địa phương cùng người dân phải chủ động các biện pháp phòng chống, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh sốt xuất huyết.

Để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp tiêu diệt bọ gậy.

Đặc biệt, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phải triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh trước và sau khi xử lý. Đặc biệt, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành y tế.