Khoanh vùng gọn, xét nghiệm nhanh các khu vực có dịch

Sáng 23-6, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Nhân viên y tế tỉnh Cao Bằng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi cách ly đối với công nhân trở về từ tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TRỌNG THỤ
Nhân viên y tế tỉnh Cao Bằng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi cách ly đối với công nhân trở về từ tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TRỌNG THỤ

Báo cáo tại cuộc họp, các chuyên gia dịch tễ cũng như của ngành y tế địa phương cho biết, nguy cơ dịch Covid-19 lây lan ở Bình Dương rất lớn, nhất là tại các khu công nghiệp. Tại tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, với khoảng 500 nghìn người làm việc.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh ở Bình Dương không chỉ trong các khu công nghiệp mà còn ở các nhà máy, doanh nghiệp xen lẫn trong khu nhà trọ. Do vậy, những ổ dịch đã được phát hiện, tỉnh cần tập trung khoanh gọn, xét nghiệm nhanh, thu hẹp dần điểm phong tỏa. Qua phân tích của các chuyên gia, Bình Dương có thể đã có chùm lây nhiễm mới từ trước ngày 8-6, do đó việc giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong tỏa phải cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện trên diện rộng, linh hoạt trong việc phong tỏa, phụ thuộc vào mức nguy cơ. Việc khoanh vùng phải thực hiện chặt chẽ để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Chính quyền địa phương cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế di chuyển, tăng cường khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh…

Trong xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý Bình Dương cần chia làm hai mũi: Mũi thứ nhất truy vết, dập dịch ngay những khu đã khoanh vùng; mũi thứ hai tập trung lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng. Bên cạnh đó, kết hợp sáng tạo, linh hoạt các phương thức xét nghiệm, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong tình huống dịch xảy ra trong khu công nghiệp, nhà máy nằm xen kẽ khu dân cư, trong khu dân cư.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án chỗ sản xuất gắn với chỗ ở cho công nhân, trong trường hợp có ca mắc Covid-19 ở phân xưởng, doanh nghiệp, chỉ cần khoanh gọn, không ảnh hưởng đến sản xuất chung. Các doanh nghiệp cần quán triệt công nhân hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi xe đúng tuyến... Tỉnh cần quản lý nghiêm, giãn mật độ để chống lây nhiễm chéo; chuẩn bị kỹ phương án cách ly F1 tại nhà, bảo đảm điều kiện an toàn dịch tễ.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19; xây dựng thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc-xin phòng Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu Bộ Y tế hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc, trong đó lưu ý các nội dung: dự kiến tiến độ, số lượng, từng loại vắc-xin về Việt Nam để phân bổ tiêm cho các đối tượng. Việc triển khai tiêm cần trên tinh thần bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc-xin của Liên hợp quốc. Bộ Y tế cần nêu rõ thời điểm Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Sau khi tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; xây dựng định hướng mới trong triển khai tiêm vắc-xin.

Tại cuộc họp, thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vắc-xin phòng Covid-19 của nước ngoài và trong nước. Hiện nay, việc cấp phép lưu hành các vắc-xin phòng Covid-19 của nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện theo quy trình khẩn cấp. Ðối với các vắc-xin đang được nghiên cứu, phát triển trong nước, Luật Dược quy định phải trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng...

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Doanh nghiệp được chọn tham gia phải đáp ứng các điều kiện: Ðã ký bản cam kết bảo đảm thực hiện các biện pháp an toàn PCD; đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD với rất ít nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ lây nhiễm thấp... Tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung; không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong suốt quá trình doanh nghiệp vừa cách ly vừa tổ chức sản xuất.

TP Hồ Chí Minh đã huy động hệ thống cấp cứu của ngành y tế tham gia Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trung tâm cấp cứu 115 cùng toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn thành phố tổ chức các kíp cấp cứu cùng phương tiện, xe cứu thương phụ trách tất cả các điểm tiêm chủng.

Tại buổi kiểm tra công tác PCD Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần thực hiện nghiêm, tránh tình trạng lơi lỏng; thành lập tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường giám sát ở cộng đồng và trong các phân xưởng. Tỉnh Bình Dương cần chuẩn bị cơ số test kháng nguyên để sàng lọc ngay lập tức tại những điểm nghi ngờ; đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm khẳng định PCR… Dịp này, Bộ Y tế trao tặng tỉnh Bình Dương 10 nghìn bộ sinh phẩm xét nghiệm PCR và 300 nghìn khẩu trang y tế.

Bộ Y tế có văn bản đề nghị các địa phương kiểm soát người về từ các địa bàn có trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tất cả những người đến từ các tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục tham gia tổ chức các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Ðồng thời, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành giáo dục.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 23-6, cả nước ghi nhận 220 ca mắc Covid-19 (người bệnh thứ 13.728 đến 13.947), trong đó có ba ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 217 ca ghi nhận trong nước, tại TP Hồ Chí Minh (152 ca), Bình Dương (23 ca), Bắc Giang (11 ca), Nghệ An (bảy ca), Ðà Nẵng (sáu ca), Long An (năm ca), Hưng Yên (bốn ca), Bắc Ninh (bốn ca), Lào Cai (hai ca), Kiên Giang (hai ca), Bắc Kạn (một ca); trong đó 196 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, số còn lại đang điều tra dịch tễ. Tỉnh Kiên Giang là địa phương thứ 44 trong cả nước có người mắc Covid-19 trên địa bàn. Trong ngày, có 138 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; đồng thời ghi nhận một người bệnh mắc Covid-19 bị chết.

Chiều 23-6, đại diện Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước tiên tiến, vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với ba giai đoạn, trong đó giai đoạn ba là quan trọng nhất.

Việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc-xin Covid-19 hiện nay là do điều kiện dịch bệnh, chưa đủ thời gian để theo dõi được vắc-xin trong thời gian dài như thông lệ. Mặc dù vậy, để bảo đảm tính an toàn, vắc-xin vẫn phải được thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ.

Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vắc-xin Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua ba giai đoạn, trên nguyên tắc bảo đảm ba yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.

Bổ sung hơn 11 tỷ đồng đóng góp cho Cơ chế COVAX

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 11 tỷ 580 triệu đồng tương đương 500.000 USD từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2021 cho Bộ Y tế để đóng góp cho Cơ chế COVAX. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai thực hiện theo quy định.