Hơn 2 tháng giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

NDO -

Hơn 70 ngày nằm viện, trải qua những thời khắc nguy kịch nhất, phải can thiệp ECMO kéo dài, 2 bệnh nhân ở tâm dịch Bắc Giang không nghĩ mình đã có ngày hồi sinh kỳ diệu sau khi mắc Covid-19.

Các bác sĩ trực 24/24 để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Các bác sĩ trực 24/24 để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị B., (65 tuổi, ở Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) có tiền sử bướu giáp đa nhân đã phẫu thuật. Chỉ sau 7 ngày phát hiện dương tính (23/5), ngày 29/5, bà được đưa vào Bệnh viện Phổi Bắc Giang chuyển thở HFNC và can thiệp nội khí quản, thở máy.

Bệnh nhân trở nặng nhanh chóng, được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cưc (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng thở máy qua nội khí quản, duy trì ECMO, phổi thông khí 2 bên giảm, chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng, rối loạn tăng đông nặng nề.

Các bác sĩ nỗ lực điều trị chống đông máu, điều trị bội nhiễm phổi, bổ sung máu và chế phẩm máu, kết hợp chăm sóc toàn diện tích cực nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng suy hô hấp cấp nặng nề.

Trải qua 4 lần lọc máu, thở máy, ECMO và chăm sóc tích cực tại đơn vị ICU, đến ngày 17/6, bệnh nhân đã có tiến triển tốt hơn, chức năng phổi cải thiện, bệnh nhân được kết thúc ECMO thành công.

Ngày 6/7, bệnh nhân có chuyển biến rõ rêt. Sau 78 ngày điều trị tại đơn vị ICU, bệnh nhân đã ổn định về dấu hiệu sống, còn duy trì thở máy với chế độ hỗ trợ một phần. Sau 3 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, ngày 2/8, bệnh nhân đươc chuyển tuyến cơ sở để theo dõi và điều trị tiếp.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân còn rất trẻ, 37 tuổi và không có bệnh lý nền - chị Hà Thị H., ở Lục Ngạn, Bắc Giang, được phát hiện có triệu chứng từ 18/5. 

Sau khi nhập viện Bệnh viện Phổi Bắc Giang, bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu, ECMO. Do tiên lượng bệnh rất nặng, cần can thiệp tích cực trong thời gian dài, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Lúc này, bệnh nhân nhiễm trùng nặng, phù toàn thân, tổn thương lan tỏa toàn bộ 2 phổi. Bệnh nhân tiếp tục được duy trì hệ thống ECMO và trải qua ba lần lọc máu hấp phụ độc tố Cytokines liên tiếp. 

Các bác sĩ chăm sóc toàn diện tích cực, theo dõi sát sao từng diễn biến của bệnh nhân, đánh giá các xét nghiệm hàng ngày để điều chỉnh kịp thời các rối loạn của người bệnh trong giai đoạn nguy kịch.

Đến ngày 13/7, sau 14 ngày ECMO, những tổn thương phổi dần hồi phục, chức năng phổi tốt lên, bác sĩ đã cai ECMO thành công. 

Sau hơn 2 tháng can thiệp tích cực, bệnh nhân có kết quả âm tính, vượt qua giai đoạn nguy kịch, toàn trạng ổn định đã được chuyển tuyến cơ sở để điều trị và theo dõi tiếp.

Nhận định về 2 ca bệnh này, bác sĩ Đặng Văn Dương, khoa Hồi sức tích cực cho biết, đây là ca bệnh rất nặng, từng trải qua những giai đoạn nguy kịch tính mạng. Trong thời gian điều trị tại ICU, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất, kết hợp chăm sóc tích cực để sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp. Do cả 2 bệnh nhân đều tổn thương phổi nặng nề nên quá trình hồi phục khá chậm.

Hiện nay, khoa Hồi sức tích cực có 26 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có 22 ca thở máy và 5 ca ECMO.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan