Hậu Giang chủ động kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học

NDO -

Từ khi cho học sinh trở lại học trực tiếp (ngày 14/2) đến nay, Hậu Giang đã ghi nhận hàng trăm học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhiễm Covid-19. Tuy chưa phát hiện lây lan trong trường học, nhưng nguy cơ rất lớn, khi mà gần đây số ca mắc trong cộng đồng trên địa bàn tăng trở lại. 

100% học sinh từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi ở Hậu Giang đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
100% học sinh từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi ở Hậu Giang đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo thầy Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Ngã Bảy, khi cho học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường đã có bước chuẩn bị chu đáo về công tác phòng dịch, như bảo đảm nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, đeo khẩu trang nghiêm túc. Đối với phụ huynh chỉ đưa con đến cổng không vào khuôn viên nhà trường; còn tổ an toàn phòng Covid-19 trong nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ…

Dù làm rất bài bản trong từng khâu nhưng trường vẫn ghi nhận có 5 giáo viên, 11 học sinh bị nhiễm Covid-19. Tất cả các trường hợp này đều lây nhiễm từ ngoài cộng đồng. Những trường hợp F0, F1 đã được cách ly theo dõi sức khỏe theo quy định. Trường cũng bố trí giáo viên nhiễm bệnh dạy trực tuyến tại nhà, học sinh nhiễm bệnh học trực tuyến, trường hợp không có thiết bị học tập, giáo viên giao bài tập đến nhà cho học sinh…

Thầy Đặng Thanh Tùng cho biết thêm: “Để tránh tâm lý hoang mang thái quá, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông, thông tin trường hợp nhiễm, ổn định tâm lý giáo viên, học sinh, phụ huynh. Hiện nay, 5/5 giáo viên và 7/11 học sinh nhiễm Covid-19 của trường đã khỏi bệnh và trở lại dạy và học. Để bảo đảm phòng dịch Covid-19 an toàn, nhà trường chưa tổ chức sinh hoạt dưới cờ, căng tin cũng chưa hoạt động”.

Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ có số lượng học sinh khá đông, với gần 2.000 em. Trong thời gian trở lại học trực tiếp cũng ghi nhận 15 học sinh, cán bộ quản lý... bị nhiễm Covid-19.

Bà Trịnh Thị Trúc Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ, cho biết: “Qua kết quả điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh đều xuất phát từ gia đình, ngoài cộng đồng, không từ lớp học, trường học. Nhờ làm tốt công tác tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch, phối hợp phụ huynh trong việc theo dõi tình hình sức khỏe học sinh nên khi nhận được thông báo từ gia đình học sinh bị nhiễm Covid-19, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương điều tra dịch tễ, khử khuẩn, vệ sinh phòng lớp, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần nhanh, kịp thời, theo đúng quy trình, quy định”.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cho biết, sau thời gian học trực tiếp, toàn tỉnh ghi nhận gần 140 F0, trong đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 46, còn lại là học sinh. Số trường hợp nhiễm ghi nhận từ mầm non đến THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 không lây lan từ trường học mà ngoài cộng đồng, từ gia đình, người thân của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tuy chưa phát hiện lây lan trong trường học, nhưng nguy cơ rất lớn, khi mà gần đây số ca mắc trong cộng đồng trên địa bàn tăng trở lại.

Chủ động kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học, không để lây nhiễm chéo là nhiệm vụ quan trọng hiện nay mà các trường đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cái khó của công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường là các trường hợp bị nhiễm bệnh thời gian qua không có triệu chứng, nhà trường chỉ biết khi phụ huynh, giáo viên thông báo lúc có kết quả test nhanh tại nhà. Ngoài ra, việc thiếu nhân viên y tế trường học cũng là khó khăn lớn.

Theo thầy Lê Chí Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nhà trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ các bước theo hướng dẫn của ngành chức năng về phòng, chống dịch trong trường học, nhưng cái khó là làm sao nắm được thông tin sớm nhất về những ca nhiễm bệnh trong trường để xử lý nhanh, tránh lây nhiễm chéo. Do đó, nhà trường yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh cần thường xuyên giữ mối thông tin hai chiều về tình trạng sức khỏe, nhất là khi có tiếp xúc với người nhà, người thân, bạn bè bị nhiễm cần báo ngay để có hướng xử lý kịp thời.

Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Để chủ động kiểm soát chặt dịch Covid-19, tránh tâm lý chủ quan, chúng tôi yêu cầu các trường học thực hiện đầy đủ cách biện pháp phòng dịch, nhất là nâng cao ý thức tự giác, tự phòng, chống dịch cho cá nhân của mỗi học sinh, giáo viên, không lơ là thiếu ý thức phòng dịch trong lúc này”.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang: Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, không để lây nhiễm chéo trong nhà trường, ngành giáo dục tỉnh đã yêu cầu các trường học từ mầm non đến THPT trong địa bàn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, trang bị thêm dung dịch sát khuẩn, đồ bảo hộ, kit test nhanh, khẩu trang y tế...

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang, tùy theo diễn biến của dịch, các trường có thể linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp học trực tiếp phù hợp. Đồng thời, yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp gần với nhau tối đa. Chủ động, tránh lúng túng, tâm lý hoang mang khi có trường hợp nhiễm trong nhà trường. Các trường linh động sửa đổi, áp dụng quy trình xử lý F0, F1 theo bốn bước của ngành chức năng hướng dẫn, nhằm bảo đảm cho việc học trực tiếp thông suốt.

Quy trình xử trí F0 trong trường học theo hướng dẫn mới

Bước 1: Khi có F0, báo ngay hiệu trưởng/ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, chuyển F0 xuống phòng cách ly tạm thời theo lối đi riêng.

Bước 2: Thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Bước 3: Với lớp học có F0: học sinh ngồi yên tại chỗ, xác định các trường hợp F1 và xét nghiệm kháng nguyên nhanh toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu F1 (đã tiêm 2 mũi vaccine) xét nghiệm âm tính: cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm ngày thứ 5; những F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7, các trường hợp khác đi học bình thường. Riêng khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu trong lớp học có F0, cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.

Bước 4: Đối với lớp có học sinh F0: Sau khi xác định được F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Đối với học sinh các lớp học khác: Nếu không có giao lưu tiếp xúc với F0, cho đi học bình thường. Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần với F0, thì xét nghiệm nhanh với F1 đó và quy trình xử lý như bước 3 khi có kết quả xét nghiệm.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan