Hai bệnh nhân phải can thiệp ECMO tại Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc

NDO -

Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc đặt tại Bệnh viện Tâm thần, Bắc Giang vừa tiến hành can thiệp ECMO cho hai bệnh nhân Covid-19 nặng. 

Can thiệp ECMO cho bệnh nhân nặng.
Can thiệp ECMO cho bệnh nhân nặng.

Chiều 15-6, đội ngũ y, bác sĩ điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần, Bắc Giang đã tiến hành đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho một bệnh nhân nữ 37 tuổi.

Bệnh nhân nữ H.T.H. (37 tuổi) nhập viện BV Phổi Bắc Giang ngày 26-5 được thở ô-xy, nhưng diễn tiến bệnh không tốt. Đến 28-5, bệnh nhân được cho thở HFNC. Ngày 2-6, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu osiris, sử dụng kháng sinh.

Đến 20 giờ ngày 14-6, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực ICU 101 giường và được tiếp tục thở máy, lọc máu, sử dụng vận mạch. Tuy nhiên, tình trạng diễn biến suy tim phải rất nặng, phải dùng các thuốc vận mạch liều cao, tổn thương phổi lan tỏa hai bên, không đáp ứng điều trị nội khoa tối ưu. Vì thế, 16 giờ ngày 15-6 bệnh nhân được chỉ định tiến hành đặt ECMO.

BS Nguyễn Tấn Hùng - Phó khoa Hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) - Trưởng đoàn y tế Đà Nẵng chi viện Bắc Giang cho biết, sau khi đặt ECMO, đã ngưng được thuốc vận mạch và cải thiện chỉ số ô-xy hoá máu. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh vẫn còn nặng vì tổn thương cả tim và phổi.

Trước đó, ngày 12-6, tại Trung tâm hồi sức tích cực ICU 101 giường cũng tiến hành đặt ECMO cho bệnh nhân N.T. T. (67 tuổi). Bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, sau đó nhập Bệnh viện Phổi Bắc Giang điều trị từ ngày 3-6 trong tình trạng khó thở, ho, SpO2 85%, được thở HFNC và lọc máu.

Đến 12 giờ ngày 12-6, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm ICU 101 giường trong tình trạng rất nặng, không đáp ứng với HFNC, nên được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng phổi bệnh nhân tổn thương rất nặng lan toả hai bên, P/F<60. Bệnh nhân được ê-kíp Bệnh viện Đà Nẵng và các đội bạn tiến hành đặt ECMO ngay trong ngày 12-6.

Với ca bệnh này, đến thời điểm hiện tại, theo BS Nguyễn Tấn Hùng, bệnh nhân tỉnh táo, vẫn còn phụ thuộc vào ECMO, phổi đang có chiều hướng cải thiện. 

Được biết, tính đến chiều 15-6, tại Trung tâm hồi sức tích cực ICU 101 giường đang có 60 bệnh nhân. Trong đó, tín hiệu đáng mừng là có hơn 25 bệnh nhân đã được cai HFNC thành công; tám bệnh nhân đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1 và hai bệnh nhân có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 2.

Chiều ngày 15-6, sản phụ H.T.K. T (20 tuổi) ở Lục Ngạn, Bắc Giang mắc Covid-19, sinh con tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được ra viện. Sản phụ H. T.K. T. thuộc diện F0, đẻ thường ngày 9-6 đã điều trị đủ 14 ngày và có xét nghiệm ba lần âm tính. Còn con gái thuộc diện F1 đã cách ly bảy ngày, có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính. Sau khi trở về địa phương, hai mẹ con sẽ tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Hai bệnh nhân phải can thiệp ECMO tại Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc -0
 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bố trí một chuyến xe và cử một điều dưỡng đưa hai mẹ con trở về quê.

Sản phụ H.T.K.T là bệnh nhân Covid-19 số 3961 ở Bắc Giang được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ ngày 17-5 khi thai được 35 tuần tuổi. Sau một thời gian theo dõi và điều trị, sáng ngày 9-6 khi thai bước sang tuần thứ 38 sản phụ H.T.K.T trở dạ.

Ê-kíp gồm một bác sĩ, hai nữ hộ sinh đã đỡ đẻ thành công một bé gái chào đời nặng 2,2 kg. Sau khi sinh con, sản phụ H.T.K. T đã được chuyển lên khoa Viêm Gan để tiếp tục điều trị Covid-19. Em bé sau khi sinh được hai điều dưỡng khoa Nhi chăm sóc và nuôi dưỡng để tránh lây nhiễm từ mẹ.

Để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí một chuyến xe và cử một điều dưỡng đưa hai mẹ con trở về quê hương sau gần một tháng xa nhà.

Ngoài hai trường hợp trên, ngày 15-6 còn có bốn bệnh nhân khác đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có từ hai lần âm tính trở lên được xuất viện trở về nơi cư trú tiếp tục cách ly và theo dõi 14 ngày tại nhà.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan