Giảm tỷ lệ người chết là mục tiêu cấp thiết

Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam trao đổi tình hình phòng, chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam trao đổi tình hình phòng, chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết, 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ. Tất cả lực lượng đều cố gắng, được sự ủng hộ của người dân. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch vẫn còn hết sức phức tạp. Một số tỉnh dịch cơ bản được kiểm soát, công tác phòng, chống dịch đi vào nền nếp, nhưng số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt. Tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Long An… dịch đã lây lan rộng, sâu, việc dập dịch ở những địa phương này sẽ kéo dài hơn dự kiến và hơn nhiều các tỉnh, thành trong khu vực. Trong đó, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh khác so với phần còn lại của các tỉnh, thành phố trong khu vực và khác so với cả đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải lo được lưu thông, phân phối mặt hàng thiết yếu cho từng người dân, có chính sách hỗ trợ thật sự thiết thực hiệu quả đến từng người dân, dứt khoát không để người dân thiếu nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Ở các khu vực người dân thực hiện Chỉ thị 16, trong điều kiện dịch thấm sâu, phải tổ chức hệ thống giám sát quản lý y tế ở cộng đồng thật dày và hoạt động thật trơn tru. Mỗi người dân ở tại cộng đồng của mình có lực lượng và chính quyền địa phương, trong đó nòng cốt là y tế và được phân công theo dõi quản lý sức khỏe đến từng gia đình, từng đối tượng có nguy cơ để bất kỳ ai có triệu chứng liên quan đến Covid-19 đều được báo cáo, được hỗ trợ y tế kịp thời kể cả những triệu chứng của các bệnh khác.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ở những nơi doanh nghiệp chưa hoạt động, nhu cầu người dân về quê là nhu cầu chính đáng, các tỉnh, thành phố nên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ tổ chức đưa đón bà con về quê chu đáo. Riêng các tỉnh không tổ chức đưa bà con về quê thì phải có biện pháp tuyên truyền cho bà con tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch nơi địa phương đang sinh sống, tuyệt đối không để bà con vì tỉnh không tổ chức được mà bằng mọi cách vi phạm quy định tìm đường về quê.

Sáng 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 và số 9; làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Long An. Phó Thủ tướng yêu cầu Long An phải thực nghiêm Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; phát huy mạnh hơn nữa tổ công tác Covid cộng đồng trong việc giám sát người từ phương xa về không khai báo y tế; giám sát chặt chẽ những nhà trọ có nhiều người... Phó Thủ tướng đề nghị Long An hỗ trợ tiếp TP Hồ Chí Minh "gói sẵn" hàng hóa nông sản để chuyển đến người dân trong khu vực phong tỏa và những suất cơm cho người dân trong những khu cách ly, lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch...

Trong ngày, Bộ Y tế, các địa phương tiếp tục kiểm tra, triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại buổi làm việc với tỉnh Ðồng Nai về công tác phòng, chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Ðông Nam Bộ đề nghị tỉnh Ðồng Nai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn; phải bảo vệ bằng được "vùng xanh", khoanh chặt điểm dịch; tăng cường bốn tại chỗ, nhất là phải xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên để bóc tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng...

Tại cuộc họp Sở chỉ huy phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, "chia lửa" với lực lượng công an trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát, tổ chức lực lượng hỗ trợ... Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định "chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết" và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chiều 28/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trong phòng, chống dịch của thành phố là công tác điều trị. Thành phố sẽ đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho người F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ nhằm giúp cho các bệnh nhân nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Theo thông báo từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong ngày 28/7 có 4.353 người mắc Covid-19 đủ điều kiện và đã được xuất viện, trong đó, 2.355 trường hợp ra viện sau điều trị bảy ngày và được lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT PCR cho kết quả âm tính, nhưng tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà hoàn toàn (có phòng riêng, ăn riêng, sinh hoạt riêng, không tiếp xúc với bất kỳ ai trong gia đình, không ra ngoài…) trong vòng bảy ngày tiếp theo. 1.998 người còn lại được ra viện sau 14 ngày điều trị. Ðây là những người sau khi được điều trị bảy ngày, làm xét nghiệm bằng kỹ thuật RT PCR cho kết quả dương tính, làm test nhanh sau chín ngày và cho kết quả âm tính một hoặc hai lần, kiểm tra tình trạng sức khỏe ổn định, đủ điều kiện ra viện. Nhóm này sẽ phải tiếp tục tuân thủ tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị người bệnh Covid-19.

Trưa 28/7, sau khi huyện Nam Sách (Hải Dương) xác định có thêm những ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 do liên quan đến ca bệnh phát hiện trước đó, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu huyện Nam Sách ngay lập tức báo động trong toàn huyện, đặt địa phương trong tình trạng khẩn cấp về phòng, chống dịch, nhất là những nơi có người đi lại, tiếp xúc với người bệnh. Trước mắt, mở rộng phong tỏa xã Thái Tân, đóng cứng toàn bộ thị trấn Nam Sách để thần tốc truy vết, xét nghiệm, làm cơ sở xác định nguy cơ cho từng khu vực. Tất cả các xã còn lại phải lập chốt, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, kiểm soát chặt chẽ tình hình...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu mọi công dân trên địa bàn hạn chế tối đa ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, áp dụng từ 28/7 đến ngày 1/8. Ngoài ra, từ 0 giờ ngày 29/7 cho đến khi có thông báo mới, Cà Mau sẽ hạn chế tối đa các trường hợp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa vào tỉnh bốc xếp hàng hóa tại điểm cố định riêng, mà phải lên xuống hàng hóa ở những điểm tập trung do địa phương bố trí…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 28/7 cả nước có 6.559 ca mắc mới Covid-19, trong đó bốn ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố. Như vậy đến chiều 28/7, Việt Nam có tổng số 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước. Ðáng chú ý, trong ngày Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 106 người chết do Covid-19 từ ngày 19 đến 26/7 tại sáu tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh (91 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Ðồng Tháp (2 ca), Ðồng Nai (1 ca), Kiên Giang (2 ca), Long An (9 ca).

PV