Đừng để trẻ bị rối loạn tâm thần, trầm cảm kéo dài

NDO -

Sự phát triển của Internet cùng việc phải học tập online kéo dài suốt hơn một năm qua tác động rất lớn tới tâm sinh lý của trẻ. Gia đình là nhân tố quan trọng nhất để giúp các con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này, tránh cho trẻ những trầm cảm, stress học đường, hạn chế gây ra những hệ lụy không đáng có. 

Trẻ tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì vấn đề rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Trẻ tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì vấn đề rối loạn cảm xúc, trầm cảm.

Cha mẹ ít nhận ra bất thường ở trẻ

TS, BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ bệnh nhi đến khám vì rối loạn tâm thần, trầm cảm gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua.

Trẻ đến khám đều trong tình trạng căng thẳng trong học tập, không đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình, hoặc kỳ vọng quá cao với bản thân. Trẻ phải đối mặt với khối lượng bài vở nhiều, mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn. Trẻ tâm sự cảm thấy thiếu sự động viên, khích lệ của các thầy cô giáo, môi trường học đường có vấn đề, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm…

Khi đưa con tới khám, các bậc phụ huynh đều chia sẻ gia đình rất bình thường, không có xích mích, cãi vã hay tạo sức ép trong học tập đến con. Họ cũng thấy con có sự thay đổi, khép mình hơn, dễ nổi nóng nhưng cho đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì nên cho rằng không cần phải can thiệp. Vì muốn chia sẻ giai đoạn này, con cái càng khó chịu hơn, không mở lòng.

Tuy nhiên, khi trò chuyện với trẻ, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em.

“Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng đã có các rối loạn tâm lý vừa và nặng nên có không ít trường hợp có giải pháp tiêu cực và có suy nghĩ kết thúc cuộc sống”, bác sĩ Loan nói.

Theo các chuyên gia, trong cuộc sống hiện đại, trẻ bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng cha mẹ hiện nay quan tâm nhiều đến các bệnh lý thực thể mà chưa thật sự quan tâm đầy đủ đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Do đó, những rối loạn tâm lý ban đầu bị đánh giá nhầm lẫn sang buồn vui tuổi học đường, vì thế khi trẻ trầm cảm, stress đã rất khó can thiệp điều trị và có thể để lại hậu quả lâu dài. 

Hơn 1 năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu hơn 10 học sinh tự tử bằng những cách khác nhau như uống thuốc giảm sốt paracetamol liều cao, thắt cổ và có ca không thể qua khỏi.

Mới đây nhất, một nữ sinh lớp 8 đến viện vì uống paracetamol liều cao để tự tử vì mẹ đã ngăn cấm cháu sử dụng điện thoại quá nhiều. Những ngăn cấm nhiều lần khiến trẻ sau lần phản ứng bỏ nhà ra đi đã nghĩ tới tự tử bằng cách uống 20 viên paracetamol, 1 vỉ kháng sinh (thuốc có sẵn trong nhà). Cháu bé khi thấy nôn nao đã gọi cho chị gái và nhanh chóng được đưa tới viện rửa dạ dày rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đến viện đã muộn vì các cháu chọn cách tự sát thắt cổ rất thương tâm.

Cần sự đồng hành sát sao hơn nữa từ gia đình và nhà trường

Ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm lý có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành phố khác. Theo GS, TS Cao Đức Tiến, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103, trẻ em giai đoạn tâm sinh lý tuổi dậy thì có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng của mình.

Ở một số trẻ có rối loạn trầm cảm, tâm trạng nổi trội là khó chịu, cáu gắt bực bội, kích thích, gây hấn thay vì buồn (một sự khác biệt quan trọng giữa trầm cảm ở trẻ và người lớn). Sự khó chịu có thể biểu hiện như hành vi hiếu chiến và thái độ chống lại xã hội.

Trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm tăng lên do nhiều yếu tố: bị cách ly, học online, hạn chế giao tiếp với người thân và bạn bè, căng thẳng tâm lý trong gia đình như bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, áp lực học tập.

Nhiều trẻ chơi game hoặc sử dụng điện thoại, máy tính nhiều, sử dụng chất như bóng cười, rượu, ma túy, cỏ… Bản thân việc nhiễm Covid-19 cũng làm tăng trầm cảm lo âu, rối loạn stress nên tỷ lệ trẻ có ý nghĩ tiêu cực cũng tăng lên.

Theo chuyên gia này, có nhiều dấu hiệu để nhận diện trẻ đang gặp rối loạn tâm thần, trầm cảm, stress nhưng các gia đình rất khó để nhận biết trẻ có thật sự cần phải can thiệp tâm lý hay không.

Nếu cha mẹ thấy con có một trong các thay đổi kéo dài trên 2 tuần như: rối loạn về việc ăn, ngủ, học kém tập trung, kết quả học tập giảm sút, buồn bã, ít giao tiếp, dễ cáu giận, nóng tính… thì nên trò chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu thấy khó khăn, nên đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ có chuyên môn đánh giá, thăm khám.

Phát hiện sớm và điều trị sớm trầm cảm là rất quan trọng vì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, tránh tái phát. Ngược lại, nhiều trường hợp con có những biểu hiện trầm cảm vài năm mới cho đi khám thì việc điều trị rất khó khăn, quá trình điều trị kép dài và thậm chí để lại các ảnh hưởng đến chức năng tâm thần của trẻ, khó hòa nhập cuộc sống.

Việc điều trị cần tuân thủ theo đúng chỉ định và thời gian của bác sĩ và các nhà tâm lý, đừng thấy các dấu hiệu đã đỡ mà ngừng điều trị sẽ dẫn đến tình trạng tái phát bệnh. Đặc biệt, những lần điều trị sau sẽ rất khó khăn.

Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ trở lại trường gần đây, các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, có một số đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt đó là những trẻ từng nghiệm game, trẻ em khi đi học bị bắt nạt, nhút nhát, có vấn đề về giới tính hoặc giới hạn giao tiếp xã hội. Do đó, nhà trường và gia đình cần phải có sự quan tâm sát sao. 

Để giúp con có một tinh thần khỏe mạnh, các gia đình nên khuyến khích con chơi thể thao, tham gia các hoạt động tập thể để cân bằng sau giờ học. Dành thời gian giải trí và thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng, không nên quá áp lực trong cuộc sống.