Đồng Tháp, Đồng Nai nỗ lực kiểm soát các ca bệnh nặng

NDO -

Với số ca nhiễm tăng nhanh thời gian qua, Đồng Tháp và Đồng Nai đang phải chịu sức ép rất lớn từ công tác điều trị. Hai địa phương này đang nỗ lực kiểm soát các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. 

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (phải) làm việc với Tổ công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (phải) làm việc với Tổ công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai.

Đồng Tháp nâng cao năng lực điều trị

Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 nhưng số ca nhiễm vẫn tăng nhanh. Đặc biệt, có gần 20 bệnh nhân tại khoa ICU Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. 

Ngày 25/7, đại diện Tổ công tác Bộ Y tế tại Đồng Tháp, bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định, các chuyên gia giỏi và Tổ công tác đã sát cánh cùng Đồng Tháp. Hiện nay, cơ bản năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của Đồng Tháp được củng cố dần. Từ khi Tổ công tác Bộ Y tế vào tư vấn, hỗ trợ thì cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được tăng cường.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh vừa xét nghiệm vừa tham gia hội chẩn, đánh giá ca bệnh, số ca bệnh nặng và tử vong ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc đã được kiểm soát. Các ca nặng, tiên lượng tử vong cao được cải thiện dần. Trong những ngày tới, Tổ công tác Bộ Y tế và các đoàn tiếp tục hỗ trợ các cơ sở y tế khác ở Đồng Tháp trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đồng Tháp, Đồng Nai nỗ lực kiểm soát các ca bệnh nặng, nguy kịch -0
 Đẩy nhanh lấy mẫu xét nghiệm ở Đồng Tháp.

Cùng với điều trị, năng lực xét nghiệm của Đồng Tháp đã được Bộ Y tế hỗ trợ mạnh. Theo bà Lương Mai Anh, với sự hỗ trợ của Tổ công tác, năng lực xét nghiệm của tỉnh từ khoảng 500-600 mẫu/ngày đã được nâng lên hơn 2.000 mẫu/ngày. Cùng với đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ test nhanh cho tỉnh này. Tuy nhiên, bà Mai Anh nhận định, để xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng thì Đồng Tháp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa.

Tại các điểm nguy cơ cao, Đồng Tháp đã thiết lập các đoàn giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại các chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó, Đồng Tháp đã lập hơn 200 chốt kiểm dịch để kiểm soát người lẫn phương tiện. Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Đồng Nai chủ động kịch bản ứng phó với tình huống xấu

Theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện nay tỉnh này đang điều trị 2.374 ca nhiễm Covid-19 trên tổng số 2.444 ca mắc Covid-19. Đến nay, Đồng Nai đã công bố khỏi bệnh cho 96 người. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 với biến thể Delta lây lan mạnh, Đồng Nai đã và đang gấp rút hoàn thiện 7 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân. 

BSCKII Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư với chủng Delta diễn biến rất khó lường và phức tạp, được chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành y tế được giao thành lập các bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân, chủ động sẵn sàng cho các tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thực hiện chủ trương đó, đến nay Đồng Nai đã có 7 bệnh viện dã chiến đang thu dung điều trị bệnh nhân gồm: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện dã chiến số 1 – Trung tâm Y tế Thống Nhất, Bệnh viện dã chiến số 2 – Ký túc xá Cơ sở 3 Đại học Lạc Hồng, Bệnh viện dã chiến số 3 – Ký túc xá Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (TP Biên Hòa); Bệnh viện dã chiến số 4 - Trung tâm Giáo dục Quốc phòng tỉnh, Bệnh viện dã chiến số 5 – Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi, Bệnh viện dã chiến số 6 – Ký túc xá Trường Đại học Đồng Nai.

Đồng Tháp, Đồng Nai nỗ lực kiểm soát các ca bệnh nặng, nguy kịch -0
 Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai đang được gấp rút hoàn thiện trở thành đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) 200 giường.

Cùng với đó, ngành y tế cũng thiết lập 3 đơn vị Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng được đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh. Nhìn chung, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Đồng Nai đang đảm đương tốt khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Dự kiến của Đồng Nai cố gắng đạt 5.000 giường và có khả năng mở rộng từ 8.000 – 10.000 giường. Tỉnh sẽ tận dụng các ký túc xá, những nơi có sẵn tiện nghi cơ bản để nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Hiện nay, Đồng Nai đã chuẩn bị 150 giường hồi sức tích cực (ICU). Song song với đó ngành y tế đang chuẩn bị sẵn sàng xây dựng 1 đơn vị hồi sức tích cực 200 giường tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.

"Chúng tôi cũng tính toán, nếu dịch phức tạp khi số bệnh nhân tăng lên 5.000 người nhiễm, ở các mức độ, Đồng Nai có thể đảm đương được. Tuy nhiên, nếu vượt 5.000 người chắc chắn nguồn nhân lực sẽ thiếu", bác sĩ Trung nói.

Đồng Tháp, Đồng Nai nỗ lực kiểm soát các ca bệnh nặng, nguy kịch -0
 BSCKII Lê Quang Tung và thành viên Tổ công tác Bộ Y tế kiểm tra hệ thống ô-xy, khí nén đầu giường của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.

Theo bác sĩ Trung, các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ rất tốt y tế Đồng Nai với các lớp đào tạo từ kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, nòng cốt hiện nay về điều trị bệnh nhân nặng của tỉnh. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế đã giúp chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt chống dịch.

Sau 1 ngày kể từ khi PGS, TS, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế,  Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh có Thư ngỏ kêu gọi các anh chị em đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại TP Hồ Chí Minh  cùng các đồng nghiệp gần xa cùng chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, đến 17 giờ ngày 25/7, Bộ phận thường trực cho biết đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký.

Trong đó đối tượng là bác sĩ có trình độ đại học gần 300 người; Dược sĩ là 200 người; Các ngành  nghề khác gần 700 người. 

Chủ yếu những tình nguyện viên này hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, chỉ có một số nhỏ là ở khu vực ngoại thành.

Dự kiến, trong thứ 2 tuần tới, TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế sẽ phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. 

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam