Đồng Nai khắc phục tình trạng thiếu bơm kim tiêm

NDO -

Sáng 20/10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đề nghị các huyện, thành phố nhanh chóng mua bơm kim tiêm, không để xảy ra thiếu khi tuần này Bộ Y tế tiếp tục phân bổ cho Đồng Nai 500 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19.

Quang cảnh họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai.
Quang cảnh họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Phan Huy Anh Vũ, trong tuần này, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm cho Đồng Nai 500 nghìn liều vaccine AstraZeneca. Để bảo đảm công tác tiêm chủng, các huyện, thành phố cần chuẩn bị đủ bơm kim tiêm, khắc phục tình trạng vaccine về để ở kho không thể tiêm được cho người dân do thiếu bơm kim tiêm như đã từng xảy ra.

Đến thời điểm này, Đồng Nai đã tiêm mũi 1 cho người dân 18 tuổi trở lên đạt 100%; mũi 2 đạt hơn 39%. Số vaccine còn lại ở các kho chưa tiêm là hơn 301 nghìn liều. Các đội tiêm chủng ở các địa phương đang tăng tốc tiêm mũi 2 cho người dân. Đồng thời, Sở Y tế đang phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lập danh sách tiêm cho đối tượng từ 14 đến 17 tuổi.

Về doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Phó Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết, đến sáng 20/10, có 1.515 trong tổng số 1.713 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 88%. Tổng số lao động đang làm việc là 476.266 trong tổng số 615.358 người, đạt tỷ lệ 77%. Hiện, còn 189 doanh nghiệp đang tiếp tục tạm ngưng hoạt động với khoảng 139 nghìn người lao động.

 Trong số các doanh nghiệp hoạt động trở lại, ngoài xuất hiện hàng chục ca nhiễm tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu, trong ngày 19/10, ghi nhận 39 trường hợp dương tính qua test nhanh tại Công ty TNHH Pousung, huyện Trảng Bom. Hiện, các trường hợp này đang chờ kết quả PCR, nhiều khả năng tạo thành ổ dịch lớn tại doanh nghiệp này.

Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai kiến nghị Sở Y tế tỉnh quan tâm triển khai trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, người lao động đi về hằng ngày, nguy cơ dịch từ cộng đồng xâm nhập vào nhà máy rất cao.

Về tiêm chủng cho người lao động tại các doanh nghiệp, các trung tâm y tế cần thông báo thời gian cụ thể để doanh nghiệp chủ động sắp xếp, tránh tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi do sự tắc trách của nhân viên y tế.

Theo phản ánh, có nơi doanh nghiệp bố trí người lao động nghỉ làm để tiêm vaccine, nhưng đợi hơn 3 giờ so với thời gian bắt đầu tiêm theo kế hoạch vẫn không thấy lực lượng tiêm chủng đến; khi liên lạc theo số điện thoại trên thông báo thì không ai nghe máy.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam