Để bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả ở tuyến xã

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) đang được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại tuyến xã ở một số địa phương trước khi nhân rộng. Từ thực tế một số PKBSGĐ tại trạm y tế ở TP Hồ Chí Minh cho thấy cần có hoạt động đầu tư, quảng bá để tạo sự tin tưởng của người dân.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe tại phòng khám bác sĩ gia đình của Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Ảnh : HÀ PHƯỢNG
Tư vấn chăm sóc sức khỏe tại phòng khám bác sĩ gia đình của Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Ảnh : HÀ PHƯỢNG

Thực tế tại các trạm y tế (TYT) ở TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế thí điểm triển khai mô hình PKBSGĐ đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều người dân. Dù có phòng khám vệ tinh của Bệnh viện quận Thủ Đức, nhưng hôm chúng tôi tới, số người bệnh đến khám tại TYT phường Hiệp Bình Chánh vẫn không nhiều. Nhân viên y tế ở đây hầu như không có việc làm, trong khi các đồng nghiệp của họ ở Bệnh viện quận Thủ Đức thì làm không hết việc. Một nhân viên của phòng khám cho biết, cao điểm ở đây cũng chỉ có khoảng 40 người bệnh/ngày. Phòng khám này chỉ có xét nghiệm máu; muốn chụp X-quang, siêu âm, người bệnh phải lên tuyến trên vì ở đây còn thiếu máy.

TYT phường Hiệp Bình Chánh có khuôn viên khá rộng, nhưng phòng ốc đã xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn... và người bệnh (chủ yếu dân lao động) lại thiếu thông tin cho nên ít biết mà tìm đến. Ông Khánh (63 tuổi, dân địa phương) bị chiếc đinh rỉ sét đâm vào tay. Ông đến TYT phường này hỏi về việc sơ cứu để tránh nhiễm trùng và được y sĩ ở đây hướng dẫn ông lên bệnh viện tuyến trên để được tiêm huyết thanh phòng uốn ván. Chúng tôi gặp ông Bình (58 tuổi, công nhân xây dựng, tạm trú trên địa bàn phường) bị tai nạn lao động, gạch rơi trúng, chảy máu, rách da đầu cách đó một tuần. Ông cho biết: Sau khi bị tai nạn, được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện sơ cứu, rửa vết thương. Kết quả chụp X-quang cho thấy não không bị tổn thương nên chỉ cần mua thuốc về uống. Sau bảy ngày tôi đến TYT này nhờ y sĩ... cắt chỉ.

TYT phường Thảo Điền (quận 2) đã được nâng cấp với nhà hai tầng khang trang, sạch sẽ cho nên được Bệnh viện quận 2 đặt phòng khám vệ tinh. Cô Hòa (58 tuổi, nhà ở đường Trần Não) cho biết, qua xem báo và nghe đài, cô biết trạm này có châm cứu bằng y học cổ truyền nên đến điều trị. “Tôi khá hài lòng vì đến đây châm cứu mà không phải chờ đợi như ở bệnh viện. Nếu điều trị một tuần hết khoảng 300 nghìn đồng, thì BHYT đã chi trả cho 50%”, cô Hòa chia sẻ.

Điều dưỡng Phạm Thị Hoa cho biết: Với 13 chuyên khoa: nội, ngoại, nhi, sản, y học cổ truyền... TYT có đủ máy siêu âm, chụp X-quang loại thông thường, máy thở ô-xy. Ngày cao điểm trạm tiếp nhận điều trị cho khoảng 70 người bệnh, ngày thấp cũng là khoảng 50 trường hợp. TYT mở cửa hoạt động liên tục từ 7 giờ đến 17 giờ để tiếp nhận người đến khám sức khỏe định kỳ, thử máu, nước tiểu...; phòng cấp cứu có ba giường, hôm nào đông, người bệnh phải nằm trên băng ca. Người dân cũng hay đến đây truyền nước để giảm sốt… Theo điều dưỡng Phạm Thị Hoa, muốn thu hút người bệnh, bảng quảng cáo TYT phải được lắp đặt ở nơi thu hút sự quan sát của người dân và đầu tư thêm máy chụp CT, siêu âm mầu.

Lý giải về việc người dân chưa tin vào y tế cơ sở, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, do nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến, trao đổi thông tin phù hợp giữa các PKBSGĐ với hệ thống khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý người bệnh. Ngoài ra, các TYT phường cũng chưa xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe, bệnh án điện tử. Việc thanh toán BHYT các dịch vụ mô hình PKBSGĐ còn gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, người dân còn chưa hiểu nhiều về mô hình phòng khám này, thậm chí ngay cả nhiều nhân viên y tế vẫn hiểu BSGĐ là… bác sĩ đến khám tại nhà người bệnh. Mặt khác, hiện ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm 30% chi dự phòng, ngân sách cho TYT chỉ chi lương, gần như không có kinh phí chi hoạt động; và BHYT cũng chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động... nên khó thu hút người bệnh. Nhiều người chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, có bệnh mới chữa; phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên; số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít (TYT chỉ thực hiện được 50 đến 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến).

Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, với số lượng nhân lực hiện nay, TYT không thể quản lý được số dân, số hộ trên địa bàn vì quá đông. Do vậy, cần bổ sung nhân lực cho TYT để việc thực hiện PKBSGĐ đạt hiệu quả như mong đợi; các phần mềm BHYT và PKBSGĐ không tương thích với nhau vì phải mất từ 40 đến 60 phút để cập nhật thông tin một người bệnh cho nên hiệu quả không cao, tốn nhiều công sức, khó thu hút người bệnh đến phòng khám. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có kinh phí hỗ trợ triển khai mô hình PKBSGĐ cho nên chưa có đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc và cơ chế giá dịch vụ, thanh toán BHYT gặp khó khăn, nhất là khi khám tại nhà người bệnh cũng là lý do làm người bệnh không “mặn mà” với PKBSGĐ.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để thu hút được người đến khám bệnh ở tuyến y tế cơ sở, cần triển khai đồng bộ các hoạt động như: đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh ban đầu tại TYT, nhất là phòng khám vệ tinh của bệnh viện quận, huyện; thí điểm đổi mới hoạt động TYT theo nguyên lý y học gia đình (giai đoạn 1: đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ thông tin); đào tạo cập nhật kiến thức BSGĐ, bác sĩ thực hành tổng quát và luân phiên bác sĩ từ bệnh viện tuyến quận, huyện xuống TYT; xã hội hóa một số hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TYT; tích hợp quản lý sức khỏe người dân trong hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, ưu tiên về các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Ngành y tế cũng sẽ tiến hành đánh giá chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu của TYT, công khai kết quả cho người dân biết để chọn lựa; nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế công tác tại TYT...