Đà Nẵng thí điểm điều trị ca F0 tại nhà, giảm áp lực cho tuyến đầu

NDO -

Triển khai thí điểm điều trị các trường hợp F0 tại nhà trong thời gian qua, Đà Nẵng từng bước duy trì, thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động, hỗ trợ kịp thời các bệnh nhân, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu.

Lực lượng y tế phường Hòa Hiệp Bắc triển khai công việc điều trị bệnh nhân F0 tại nhà.
Lực lượng y tế phường Hòa Hiệp Bắc triển khai công việc điều trị bệnh nhân F0 tại nhà.

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn duy trì ở mức cao, trong số này nhiều bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng. Để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, ngành y tế thành phố đang triển khai thí điểm điều trị ca F0 nhẹ tại nhà, hướng đến triển khai diện rộng trên toàn địa bàn.

Cụ thể, trong giai đoạn thí điểm mỗi quận chọn 1 phường lập trạm y tế lưu động để thực hiện cách ly, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Trạm y tế sẽ đặt tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, với đầy đủ thiết bị, nhân lực.

Là địa phương đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng kích hoạt trạm y tế lưu động điều trị ca F0 tại nhà, đến nay phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) tiếp nhận, theo dõi, điều trị 12 trường hợp F0 tại nơi cư trú. 

Y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang cho biết, sau khi tiếp nhận các ca F0 điều trị tại nhà, trạm cập nhật thông tin của bệnh nhân, tổ chức lập nhóm zalo để các bệnh nhân F0 và cán bộ, nhân viên y tế phường tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về sức khỏe và tư vấn điều trị. Bệnh nhân báo cáo bằng hình ảnh và đo thân nhiệt, có những triệu chứng bất thường thì hỏi bác sĩ phụ trách để được hướng dẫn về chuyên môn. 

Trực tiếp điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, bà Thi Thị Lệ Huệ, Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS huyện Hòa Vang cho biết, các y bác sĩ làm việc tại trạm y tế lưu động sẽ sàng lọc những bệnh nhân thể nhẹ để giữ lại điều trị theo phác đồ. Những trường hợp bệnh nặng hoặc có bệnh lý nền sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị. 

Điều kiện cơ sở vật chất để bệnh nhân F0 cách ly, điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ, có phòng cách ly điều trị riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình...

Trong 2 ngày đầu, nhân viên y tế sẽ đến nhà đưa thuốc cho bệnh nhân, hỗ trợ nhiệt kế, máy đo SPO2 để theo dõi sức khỏe hằng ngày. Các bệnh nhân cũng được hướng dẫn khai báo y tế hằng ngày. Sau thời gian 9 ngày, nhân viên y tế sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm lại theo quy định. Việc điều trị tại nhà giúp tâm lý của bệnh nhân thoải mái rất nhiều, từ đó bệnh nhân cũng nhanh khỏi bệnh hơn. 

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng: hiện nay 98% bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên Đà Nẵng phải phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị ca F0 tại nhà trong giai đoạn đầu từ 50-70%.  

Đến nay, Đà Nẵng đã điều trị cho 32 ca F0 tại nhà, trong đó, có 20 trường hợp đang điều trị, 1 trường hợp chuyển viện và 11 trường hợp đã khỏi bệnh. Công tác thí điểm điều trị bệnh nhân F0 tại nhà đáp ứng đúng yêu cầu Bộ Y tế đặt ra, giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu nhằm tập trung nhân lực điều trị cho các ca nhiễm biến chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan