Đà Nẵng khẩn trương phân loại, điều trị F0 tại nhà

NDO -

Ngày 15/1, Sở Y tế Đà Nẵng có văn bản khẩn hướng dẫn phân loại, thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú khi những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại TP Đà Nẵng tăng vọt, riêng ngày 14/1, thành phố ghi nhận 765 F0, trong đó có 499 ca cộng đồng.

Đà Nẵng tăng cường phân loại, điều trị F0 tại nhà.
Đà Nẵng tăng cường phân loại, điều trị F0 tại nhà.

Văn bản khẩn của Sở Y tế Đà Nẵng cập nhật điều kiện, quy trình, tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú đến các đơn vị liên quan.

Cụ thể, yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và nhân lực để thiết lập các trạm y tế lưu động trên địa bàn, bảo đảm công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú, trong đó đặc biệt chuẩn bị đủ nguồn nhân lực. Sở Y tế quy định F0 khi được phát hiện phải được nhân viên y tế đánh giá ngay về tình trạng cấp cứu, mức độ nguy cơ, xem xét cách ly phù hợp…

Về tiêu chuẩn F0 để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà/nơi lưu trú là có độ tuổi từ 3 đến không quá 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà phải bảo đảm có khu vực cách ly (buồng, phòng, tầng, nhà...) riêng với khu vực sinh hoạt chung với các đối tượng không phải F0. Đối với F0 ở phòng trọ, phải có phòng vệ sinh riêng trong phòng trọ.

Trường hợp không đủ điều kiện cơ sở vật chất nhưng có nguyện vọng cách ly, điều trị tại nhà thì F0 hoặc gia đình phải ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Xem xét chuyển cách ly, điều trị tại cơ sở y tế đối với các trường hợp F0 được phân loại nguy cơ cao theo Quyết định số 5525 của Bộ Y tế, theo đó: Người từ 65 tuổi trở lên hoặc từ 3 tháng tuổi trở xuống; người từ 50 - 64 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; SpO2 từ 94% đến 96%.

Chuyển cách ly, điều trị tại cơ sở y tế đối với F0 có tình trạng cấp cứu. Những trường hợp đặc biệt, nhân viên y tế của trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện hội chẩn với Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để quyết định chuyển điều trị tại cơ sở y tế.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã điều trị tại nhà cho hơn 1.286 F0 (có 86 trường hợp khỏi bệnh, 25 trường hợp chuyển tuyến), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác điều trị F0 tại nhà, kích hoạt, phát huy vai trò lực lượng y tế tuyến cơ sở. Các quận, huyện cần xác định việc điều trị F0 tại nhà là trách nhiệm hàng đầu trong giai đoạn này. Cần xác định các khu vực, đối tượng cụ thể để có giải pháp bảo đảm phòng, chống Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người.

Theo TS, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, với tình hình số ca bệnh tăng nhanh như hiện nay, các cơ sở Bệnh viện dã chiến đã sắp quá tải. Hiện tại, phần lớn số ca bệnh đều ở mức độ nhẹ, hoặc không triệu chứng, chỉ lo ngại với nhiều trường hợp chưa được tiêm chủng (trẻ em dưới 12 tuổi, người không đủ điều kiện tiêm).

Vì vậy, mở rộng việc điều trị cho đa số các bệnh nhân F0 tại nhà là phương án khả thi nhất nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị, tạo tâm lý nhẹ nhàng cho bệnh nhân.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan