Cố gắng không để dịch Covid-19 lây lan vào khu công nghiệp

Chiều 11- 6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo chín địa phương có nhiều khu công nghiệp (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) về công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu công nghiệp (KCN).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 11-6. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 11-6. Ảnh: VGP.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là dịch xuất hiện trong các KCN, không chỉ làm đứt gãy chuối sản xuất mà còn có khả năng lây lan rất nhanh, nhất là trong các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao. Dịch Covid-19 xuất hiện trong KCN là một bài toán hoàn toàn khác so với tại cộng đồng, cho nên các địa phương phải cố gắng không để dịch lây lan vào đây. Nếu có, phải nỗ lực phát hiện các ca mắc trong vòng ba ngày đầu tiên.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần chủ động thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả người làm việc trong KCN, xét nghiệm sàng lọc với những người có nguy cơ. Cần có sự thống nhất trong công tác chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau với những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị chi viện về hỗ trợ địa phương. Cùng với cách ly tập trung, các địa phương cần chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ; tránh tình trạng như Bắc Giang, sử dụng nơi ở của công nhân làm khu cách ly, không giãn, giảm mật độ kịp thời đã gây ra lây nhiễm chéo. 

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mới được hoạt động, sản xuất. Ngay cả những địa phương chưa có dịch, vẫn phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết dừng hoạt động với những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải tự cập nhật thông tin tự đánh giá mức độ an toàn lên bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; có phương thức tổ chức sản xuất trở lại theo ca, kíp; khu sản xuất gắn với chỗ ở cho công nhân... 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất thời gian tới sẽ ưu tiên vắc-xin để tiêm cho công nhân, người lao động ở KCN ở các địa phương. Dự kiến trong tháng 7 và 8 sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả công nhân, người lao động nơi có nguy cơ cao, trong các KCN trên cả nước.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các lực lượng chức năng cần phối hợp các biện pháp, tập trung điều tra, truy vết cho được nguồn lây những ca nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn gốc. Các đơn vị tiếp tục tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn tại KCN, khu chế xuất, các tòa chung cư, văn phòng, bệnh viện… Các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng số trong quản lý, phát hiện chỗ đông người, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Mặt khác nâng cao năng lực cách ly, tính toán huy động cơ sở vật chất có điều kiện tốt hơn để phục vụ cho công tác này từ các cơ sở quân đội, khách sạn, cho đến nghiên cứu cách ly tại nhà, nhằm giảm tải, chi phí cho việc cách ly tập trung… 

Dịch Covid-19 vẫn phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 11-6, cả nước ghi nhận 196 ca mắc Covid-19 (người bệnh thứ 9.785 đến 9.980), trong đó có 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và 185 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (95 ca), TP Hồ Chí Minh (48 ca), Bắc Ninh (28 ca), Hà Tĩnh (tám ca), Hà Nội (sáu ca). Trong ngày, có 96 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; 534 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần. Ngoài ra, Việt Nam ghi nhận hai người bệnh tử vong thứ 56 và 57, là hai trường hợp có bệnh ác tính nặng liên quan Covid-19. Người bệnh tử vong thứ 56 là người bệnh 4.115, 65 tuổi, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; người bệnh tử vong thứ 57 là người bệnh 3.595, 59 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nam Định cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp người bệnh 3.102 tái dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người này đã được cách ly từ trước đó, hầu như không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Tại Thanh Hóa cũng ghi nhận trường hợp người bệnh 3.974 tái dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu giám sát và chuyển về Bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị cách ly. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị kiên quyết điều tra thông tin đối với các F0 khai báo không trung thực; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cá nhân không hợp tác, khai báo không trung thực. Tỉnh Hà Tĩnh kích hoạt 312 cơ sở cách ly tập trung, với công suất hơn 10 nghìn người. Riêng TP Hà Tĩnh đã lấy 33.268 xét nghiệm, trong đó có 29.905 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả. 

Sở Y tế Hà Nội có văn bản đề nghị CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lực lượng tham gia kỳ thi vào lớp 10. Theo đó, giao CDC thành phố Hà Nội bàn giao test nhanh để các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức test nhanh cho lực lượng tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn... Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế Hà Nội đã chính thức ra mắt “Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 Hà Nội” tại địa chỉ: https://covidmaps.hanoi.gov.vn. 

UBND thành phố Hải Phòng quyết định từ ngày 13-6 cho mở cửa trở lại các hoạt động thể thao ngoài trời, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, nhưng yêu cầu không tập trung quá 20 người cùng một thời điểm, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc. Các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại nhưng chỉ phục vụ cho người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn; các nhà hàng, dịch vụ ăn uống không được tập trung quá 20 người. Các hãng ta-xi được hoạt động trở lại nhưng không được chở vượt quá 50% số ghế...

Trong ngày, Ủy ban MTTQ, các tập đoàn, công ty, tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ nguồn lực phòng, chống Covid-19. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Theo thống kê từ ngày 1-5 đến nay, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ T.Ư đến địa phương đã lên tới hơn 3.510 tỷ đồng. Trong đó, tại Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có 92 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật lên tới hơn 648 tỷ đồng. Thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam 55 trong số 63 tỉnh, thành phố, đến thời điểm này, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ lên tới hơn 2.800 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng đã tiếp nhận 9,020 tỷ đồng của 22 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Petrolimex Hà Bắc vừa trao số tiền 1,2 tỷ đồng ủng hộ hai tỉnh Bắc Giang (700 triệu đồng), Lạng Sơn (500 triệu đồng) để phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, Petrolimex Quảng Bình ủng hộ 900 triệu đồng, Petrolimex Cà Mau ủng hộ 500 triệu đồng, Petrolimex Hà Giang ủng hộ 500 triệu đồng nhằm hỗ trợ tỉnh nhà phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 11-6, tại trụ sở Bộ Tài chính, Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 tổ chức tiếp nhận ủng hộ gần 327 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Sungroup ủng hộ 300 tỷ đồng; dự án Generation do Tập đoàn Sungroup bảo trợ ủng hộ 20 tỷ đồng; cán bộ, nhân viên Kho bạc Nhà nước ủng hộ gần 3,5 tỷ đồng; Công ty Xổ số điện toán Vietlott ủng hộ hai tỷ đồng; Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) ủng hộ một tỷ đồng. Như vậy, tính đến chiều 11-6, tổng số tiền ủng hộ của các tập thể, doanh nghiệp ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 đã lên tới hơn 4.300 tỷ đồng, nếu tính cả số tiền cam kết ủng hộ thì tổng số Quỹ lên tới 7.500 tỷ đồng.

Hà Nội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 11-6, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành của thành phố tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021 - 2022 nghiêm túc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an toàn và tổ chức thành công kỳ thi. Các quận, huyện, thị xã tổ chức công tác an ninh trật tự, an toàn tại tất cả các điểm thi; phân công, bố trí lực lượng phân làn giao thông; kiểm tra, hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện phòng dịch theo nguyên tắc “5K”, tránh để phụ huynh chờ đợi, tụ tập đông người ngoài điểm thi. Học sinh phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trước, trong và sau kỳ thi...