Cần có biện pháp chống bệnh lao đồng đều ở các địa phương

NDO -

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để người dân có ý thức hơn trong việc phòng, chống các bệnh về hô hấp, trong đó có lao. Tuy nhiên, để sớm chấm dứt lao tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng đều ở các địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ chống lao. 

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi giao ban.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi giao ban.

Công tác chống lao vượt qua thách thức trong đại dịch

Ngày 10/12, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

Tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo của WHO 2020).

Trong đại dịch Covid-19, công tác chống lao đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân.

Trên thế giới, tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.

Có 16 quốc gia chiếm 93% trong số giảm phát hiện này, gồm có Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra trong đại dịch, nhất là khi bước vào làn sóng thứ tư. Lịch hẹn tái khám dài hơn, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh. Đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi.

Số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%).

Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân), đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức cho năm 2021.

“Tại miền bắc, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện giảm 19%, miền trung giảm 23% và miền nam giảm 26%”, PGS Nhung cho hay.

Bên cạnh đó, với đặc thù bệnh viện điều trị bệnh lý hô hấp, thời gian qua nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị Covid-19, cán bộ làm công tác chống lao phải song song thực hiện các hoạt động phòng chống Covid-19. 

Tuy nhiên, hoạt động điều trị của Việt Nam vẫn là một điểm sáng với kết quả điều trị trong 9 tháng đầu năm duy trì ở mức 91,9%, cao hơn mức yêu cầu của WHO. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hòa Bình (94%), Khánh Hòa (96%) và đặc biệt là Hậu Giang (98%). 

Tỷ lệ hoàn thành điều trị tăng cao so với mọi năm, 72% trên toàn quốc. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%.

Cần có biện pháp ứng phó chống lao đồng đều ở các địa phương

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, trong chống lao có 2 việc quan trọng nhất là phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây.

Vì thế, trong thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra biện pháp can thiệp mô hình, bảo đảm tiếp cận khám chữa bệnh thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng ngăn chặn lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường phát hiện chủ động ca nhiễm lao trong cộng đồng bằng “chiến lược 2X” là X-quang và X-pert.

“Chúng ta có đầy đủ kỹ thuật, thực hành chuẩn chống dịch. Quan trọng là người dân có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho sốt, chủ động tìm các chương trình hỗ trợ đến cơ sở y tế an toàn, phát hiện sớm đúng bệnh lý để điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm đi”, PGS Nhung cho hay.

PGS Nhung cũng bày tỏ, hiện nay, các địa phương hiểu khoa học và thực tiễn chống lao chưa đồng đều nhau. Sau đại dịch Covid-19 này, ông hy vọng các địa phương sẽ có biện pháp ứng phó đồng bộ với bệnh lao giống như các biện pháp triển khai chống dịch Covid-19.

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của Chương trình Chống lao Quốc gia, PGS Nhung cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng điểm là “Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở”.

Bên cạnh đó, chương trình sẽ tăng cường truyền thông các sự kiện hướng đến vận động đưa phòng chống lao vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi.

Chương trình cũng phối hợp với Vụ Bảo hiểm Y tế đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 04/2016/TT-BYT, tiếp tục hỗ trợ địa phương hoàn thiện các phương án kiện toàn các cơ sở y tế bảo đảm đủ điều kiện thanh toán khám, chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế.

“Nếu chúng ta làm được cả hai việc là phát hiện lao tiềm ẩn và lao hoạt động, tôi tin chắc chắn sẽ sớm đạt mục tiêu chấm dứt lao vào năm 2030. Bệnh viện sẽ cùng Chương trình Chống lao Quốc gia, Bộ Y tế quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu này, tránh được cái chết của hàng chục nghìn người nhiễm lao, làm cho hàng trăm nghìn gia đình hạnh phúc”, PGS Nhung bày tỏ.