Các nhà khoa học đề xuất giải pháp ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

NDO -

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức “Tọa đàm khoa học đề xuất giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam trong tình hình mới”. 

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích bối cảnh, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích bối cảnh, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội trên nhiều lĩnh vực tham dự.

Theo GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, với vai trò là đơn vị đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu, quy tụ đông đảo đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm không chỉ để thực hiện phòng, chống dịch tốt tại đơn vị mà còn nhằm tư vấn, tham mưu với Chính phủ về chính sách và các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới. 

Các vấn đề quan trọng trong đề xuất giải pháp ứng phó đại dịch Covid-19 trong tình hình mới như: Về độ bao phủ của vaccine; về mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế cơ sở; mức độ y tế điều trị làm sao để giảm thiểu tỷ lệ tử vong; sẵn sàng về công nghệ đến đâu; vấn đề về truyền thông; bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế, giáo dục… trong bối cảnh đại dịch.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích bối cảnh, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước trong phòng, chống dịch Covid-19 để đưa ra các giải pháp cụ thể theo từng vấn đề khác nhau. 

PGS, TS Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế cho rằng, nhìn lại gần 2 năm xảy ra dịch trên thế giới, các nước có nhiều cách đáp ứng khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là giải pháp giãn cách xã hội và tiêm vaccine. 

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, để ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới thì “ngăn chặn - phát hiện (truy vết và xét nghiệm) - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả” vẫn là một chiến lược lâu dài. Nhưng khi tình hình dịch thay đổi cần có thay đổi từng giải pháp trong chiến lược sao cho phù hợp thực tế. Thực hiện giãn cách rộng, phong tỏa hẹp để kiểm soát được dịch bệnh. Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng, cải tiến khoa học công nghệ đặc biệt cho xét nghiệm, sản xuất vaccine và điều trị...

Từ góc độ nhân lực và hạ tầng, GS, TS, Thầy thuốc Nhân Dân Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng dịch Covid-19 diến biến nhanh, phức tạp khiến cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và các giải pháp ứng phó thay đổi liên tục. Vì vậy, những giải pháp tình thế dần dần cần giảm đi và thay vào đó là những phương án có tình hiệu quả, bền vững. 

Trong chiến lược ứng phó bệnh dịch lây nhiễm, cùng với việc nâng cấp trang thiết bị y tế cũng cần bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin và thành lập các ban cố vấn chuyên môn chuyên sâu điều hành mạng lưới chẩn đoán và điều trị.

Đối với sự thích ứng của lĩnh vực giáo dục trong đại dịch Covid-19, GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra kiến nghị hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành, đảm bảo mọi điều kiện để việc học tập của người học được diễn ra thuận lợi, an toàn; tăng cường và phối hợp đa dạng các hình thức giáo dục. 

Trong khi đó, về kinh tế, đại diện Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giải pháp về dài hạn, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà.

Để bảo đảm tính có mục tiêu, các chính sách cần tập trung để duy trì hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong giai đoạn bất ổn này, trong đó bao gồm các hỗ trợ tài khoá cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tiếp cận để lựa chọn hỗ trợ cho 2 nhóm này sẽ khác nhau…

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh trong thực hiện mụ tiêu kép; chuyển đổi số; tư vấn tâm lý hỗ trợ cộng đồng… ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.