Cà Mau hỗ trợ, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà

NDO -

Sau hơn 1 tháng thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, Cà Mau ghi nhận thêm hơn 4.800 ca mắc Covid-19, nâng tổng số toàn tỉnh có gần 7.000 F0 tính từ đầu 2021, trong đó, có hơn 2.000 F0 cộng đồng.

Nhân viên Trạm Y tế lưu động phường 8 (TP Cà Mau) sắp xếp các thiết bị cần thiết để cấp phát, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Nhân viên Trạm Y tế lưu động phường 8 (TP Cà Mau) sắp xếp các thiết bị cần thiết để cấp phát, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Đến chiều 25/11, toàn tỉnh Cà Mau có tổng số hơn 3.370 F0 đang điều trị. Số lượng bệnh như trên vượt ngưỡng tổng công suất tiếp nhận điều trị tại các cơ sở y tế và cơ sở điều trị tăng cường trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Để giảm tải áp lực trong tình thế ca nhiễm tăng cao, Cà Mau chủ trương và thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng (hoặc triệu chứng nhẹ) tại nhà. Đến chiều cùng ngày, có hơn 770 F0 đang được điều trị tại nhà ở Cà Mau, số nhiều tập trung ở địa bàn TP Cà Mau với hơn 390 ca, kế đó là huyện Ðầm Dơi (hơn 160 ca), huyện Trần Văn Thời (hơn 60 ca)…

Hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho các F0 yên tâm điều trị tại nhà, Cà Mau đã thành lập 101 trạm y tế lưu động tại các xã/phường/thị trấn. Trung bình mỗi trạm tối thiểu 5 người (3 chuyên môn) và được cung cấp các trang thiết bị cần thiết theo quy định để hỗ trợ dân khi cần thiết. F0 tại nhà được cấp Túi thuốc A (gồm: thuốc hạ sốt, giảm đau, vitamin C, thuốc cân bằng điện giải, thuốc sát khuẩn hầu họng là Natri clorit); hằng ngày được người của trạm lưu động liên hệ trao đổi thông tin, hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Lực lượng trên còn xuống tận nơi kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc khi có những vấn đề bất thường về sức khỏe.

Theo Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng, ngành Y tế tỉnh đã trang bị đủ nhân lực, máy móc, cũng như túi thuốc cấp phát cho các đối tượng F0 tại nhà. Qua giám sát, các trạm y tế đã triển khai và thực hiện chuyên môn đúng theo hướng dẫn, giúp các F0 tại nhà yên tâm điều trị. “So với cách ly, điều trị tập trung thì điều trị tại nhà có điều kiện cải thiện sức khỏe tốt hơn. Quan trọng là chúng ta phải phân loại đúng quy định. Khi ở nhà, bản thân F0 sẽ được chăm sóc kỹ về dinh dưỡng, tinh thần, có không gian sinh hoạt tốt hơn ở bệnh viện. Vì lẽ đó, khi chúng ta thực hiện đúng cách như hướng dẫn thì khả năng phục hồi sức khỏe sẽ tốt hơn”, ông Dũng khuyến cáo.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Cà Mau, Túi thuốc A bao gồm 4 loại: Thuốc hạ sốt, giảm đau (Paracetamol) được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5 độ, có thể uống lặp lại mỗi 4-6 giờ; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ (vitamin B1, B6, B12, vitamin D, vitamin C); thuốc cân bằng điện giải (dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác); thuốc sát khuẩn hầu họng Natri clorit (dung dịch 0,9%) dùng súc hầu họng ngày 4-6 lần.

Túi thuốc B, bệnh nhân F0 tại nhà được cấp thuốc dùng trong 1 đến 3 ngày (nếu không có chống chỉ định). Thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ hoặc hướng dẫn nhân viên y tế quản lý F0 tại nhà, bao gồm thuốc chống viêm Corticosteroid và thuốc chống đông máu, sử dụng khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp (khó thở) mà chưa kịp chuyển người bệnh đến cơ sở thu dung tập trung.

Riêng với Túi thuốc C, đây là thuốc chưa được phép bán trên thị trường nên sử dụng có kiểm soát cho bệnh nhân mắc Covid-19 với số lượng thuốc giới hạn. Bệnh nhân được nhân viên y tế tư vấn, sàng lọc, nếu đủ điều kiện mới được chỉ định dùng thuốc nhóm này và phải ký phiếu chấp thuận dùng thuốc đúng mục đích, không chia sẻ thuốc cho người khác (kể cả người thân trong gia đình). Thuốc dùng không hết phải hoàn trả cho nhân viên y tế tiêu hủy theo hướng dẫn quy định. Thuốc này chỉ ưu tiên cấp cho F0 có nguy cơ cao (F0 có bệnh nền, chưa tiêm vaccine, người trên 50 tuổi, béo phì...) và bệnh nhân đủ điều kiện được sử dụng thuốc phải tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.