Bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại TP Hồ Chí Minh cao hơn số bệnh nhân xuất viện

NDO -

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn trong chiều 21/9.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải cho biết, trong ngày 20/9, số ca bệnh nhân Covid-19 nhập viện trên địa bàn Thành phố là 3.566, trong khi số bệnh nhân xuất viện trong ngày 20/9 là 2.725 trường hợp. Như vậy, số bệnh nhân nhập viện trên địa bàn đến nay vẫn cao hơn số bệnh nhân xuất viện.

Về công tác xét nghiệm, tính từ 18 giờ ngày 19/9 đến 18 giờ 20/9, Thành phố đã lấy 468.216 mẫu, trong đó có 5.183 mẫu đơn và 12.150 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 362.560 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm trên địa bàn Thành phố đến ngày 20/9 là 8.876.463 (tăng 102.593 mũi vaccine so với ngày 19/9), trong đó tổng số mũi 1 là 6.775.637, mũi 2 là 2.100.826, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.039.665.

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi về vấn đề điều trị tâm lý cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho biết, Thành phố có một bệnh viện chuyên khoa về vấn đề này đó là Bệnh viện Tâm thần. Thời gian vừa qua, khi mà một bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về tâm thần, các bác sĩ điều trị ở các trung tâm sẽ mời và hội chẩn với bác sĩ của Bệnh viện tâm thần. Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh có đội ngũ các chuyên gia liên tục đi hội chẩn về các trường hợp này.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Thành phố, bệnh viện đã liên lạc hơn 70 cơ sở điều trị các bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về tâm thần. Các bác sĩ bệnh viện tâm thần đã đến tận nơi hội chẩn khám và cung cấp thuốc đặc trị về tâm thần cho các trường hợp này.

Về nội dung quản lý gói thuốc C, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, gói thuốc C là loại thuốc kháng vi rút, đây là loại thuốc được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế. Ngày từ đầu khi phát thuốc C, tất cả các nhân viên y tế phải giải thích rõ ràng cho những bệnh nhân sử dụng gói thuốc này. Những người sử dụng gói thuốc C phải ký vào văn bản là đồng ý sử dụng thuốc. Sau đó cơ sở y tế địa phương quản lý chặt danh sách những người sử dụng gói thuốc C và theo dõi mỗi ngày xem người bệnh có vấn đề gì khi sử dụng thuốc hay không. Trên nguyên tắc, sử dụng gói thuốc C dù ở cộng đồng, tại nhà, hay tại các bệnh viện dã chiến đều phải được quản lý đặc biệt, chặt chẽ. Từ khi cấp thuốc A,B,C để điều trị cho các F0 tại nhà, cộng đồng, Sở y tế đã lập 8 đoàn kiểm tra để kiểm tra các cơ sở y tế trong việc cấp các gói thuốc này như thế nào.

Gần đây, có một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng gói thuốc C bán ra ngoài thị trường, Sở Y tế đã ra văn bản nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý chặt gói thuốc C. Đồng thời, thanh tra Sở Y tế cùng với Công an Thành phố đang điều tra và sẵn sàng xử lý vi phạm nếu có xảy ra trường hợp trên.

Tại cuộc họp, đại diện Công an Thành phố cho biết, từ ngày 29/8 đến ngày 20/9, qua phần mềm VNEID, Công an Thành phố đã phát hiện 607 lượt nghi nhiễm đi qua các chốt kiểm soát trên địa bàn. Trong đó, có 406 lượt đi qua nhiều chốt nên thu thập thông tin bị trùng.

Công an Thành phố đã tiến hành xác minh 199 trường hợp, còn 2 trường hợp tiếp tục xác minh. Trong 199 trường hợp đó 112 trường hợp là F0 (78 trường hợp tổ chức cách ly tại nhà, 34 trường hợp cách ly tập trung); 52 trường hợp sau khi xác minh thì không phải là F0; 35 trường hợp F0 đã khỏi bệnh.

Trong 199 trường hợp xác minh, có 69 trường hợp được cấp giấy đi đường, 49 trường hợp không có giấy đi đường, còn 81 trường hợp thuộc diện miễn cấp giấy đi đường. Sau khi xác định các trường hợp F0, Công an Thành phố đã thu hồi 11 giấy đi đường, 31 trường hợp không thuộc diện sẽ thu hồi, 14 trường hợp chưa thu hồi được do đang cách ly.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam