Ðẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động trong phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Ðể chiến thắng đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine, hướng đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÔI NGUYỄN
Triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÔI NGUYỄN

Sau hơn ba tháng triển khai, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm hơn 2,56 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (chủ yếu là không có nguồn vaccine) mà số lượng người được tiêm chưa đạt như kỳ vọng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai một chiến dịch tiêm vaccine quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay cả về số lượng người được tiêm cũng như số cơ sở triển khai tiêm vaccine. Mở đầu cho chiến dịch quy mô lớn đó là TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong khoảng năm đến bảy ngày (từ ngày 19-6) hơn 830 nghìn người dân trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với kế hoạch tiêm cho hơn 830 nghìn người (do lượng vaccine được phân bổ), ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng khác như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người hơn 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Mỗi ngày thành phố tổ chức khoảng 1.000 điểm tiêm chủng trong cộng đồng (các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động...).

Việc bảo đảm an toàn tiêm chủng được các đơn vị liên quan đặt lên hàng đầu; từng điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; thực hiện giãn cách, an toàn phòng, chống dịch Covid-19; sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế... Ðáng chú ý, việc xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm được chuẩn bị kỹ, từ thuốc cấp cứu phản vệ, trang thiết bị cấp cứu đến bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm. Ðể hỗ trợ TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine hiệu quả và an toàn, Bộ Y tế đã huy động tổng lực và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc trên địa bàn như Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có nhiều điểm mới và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được triển khai ở tất cả các xã, phường trong cả nước; đồng thời có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để bảo đảm người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi nhất và dễ dàng nhất. Chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, nhất là các bộ: Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải.

Theo người đứng đầu ngành y tế, hiện nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, đó là phải tiêm vaccine dự phòng cho ít nhất khoảng 70% số dân. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc, bảo đảm khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vaccine.

Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua, Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Ðiểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta so với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm, nếu không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe thì trì hoãn tiêm. Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine phòng Covid-19 giúp con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại vius gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh. Có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% đến 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Ðối với vaccine phòng Covid-19, không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Ðể bảo đảm hiệu quả cao nhất của vaccine, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% đến 85% số dân để có miễn dịch cộng đồng. Sau khi tiêm chủng vaccine, những người được tiêm vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (thông điệp 5K) để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng.

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ (sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn) đến nghiêm trọng (sốc phản vệ, thậm chí tử vong). Tại buổi tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine Covid-19 mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các điểm tổ chức tiêm chủng cần thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cần đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến ba tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng...

Ngày 23-6, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc đề nghị UBND chín tỉnh, thành phố gồm: Nam Ðịnh, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ðắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Ðồng, Cần Thơ, Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Hiện các tỉnh, thành phố này mới tiêm được dưới 40% tổng số vaccine được cấp.

Bộ Y tế cho biết, trong đợt phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 thứ ba và thứ năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh và các viện, bệnh viện, đơn vị trên địa bàn thành phố được cấp tổng số 870.870 liều vắc-xin. Nhưng đến nay mới tiêm được hơn 50 nghìn liều.