Nhiễm enterovirus và các biến chứng thần kinh

Đặc điểm chung của enterovirus

Enterovirus (nonpolio) - virus đường ruột nhưng không phải virus gây bại liệt thuộc loại virus có vật liệu di truyền là một sợi ARN. Bao gồm có 23 nhóm coxsackievirus A (từ type A1 đến A24 - ngoại trừ type 23), 6 nhóm coxsakievirus B (từ type B1 đến B6), 29 nhóm echovirus (từ type 1 đến 33, ngoại từ type 10, 22, 23 và 28) và 4 nhóm enterovirus (từ type 68 đến 71). Trong đó Enterovirus type 71 (còn gọi là EV71) được biết đến như là một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp đồng thời có liên quan đến hội chứng “chân - tay - miệng”.

Đặc điểm lây truyền của enterovirus

Enterovirus cơ thể người bệnh theo phân hoặc dịch tiết đường hô hấp bài xuất ra ngoài. Virut có khả năng tồn tại trên bề mặt môi trường trong một thời gian dài vì thế bệnh rất dễ lây truyền. Người chưa mắc bệnh có thể bị nhiễm virus thông qua việc ăn uống không bảo đảm vệ sinh hoặc do hít phải những “giọt” không khí có chứa virus. Người mẹ có thể lây cho con ngay chính lúc đẻ (trẻ nuốt, hít phải virus từ người mẹ).

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh, nhất là các cháu ít được quan tâm chăm sóc, có đời sống gia đình khó khăn và điều kiện vệ sinh kém. Thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh trong năm là mùa hạ và đầu mùa mưa. Hầu hết tất cả các loại enterovirus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày, (ngoại trừ virus đường ruột gây viêm kết mạc xung huyết thì thời gian ủ bệnh chỉ từ 24 đến 72 giờ). Nhìn chung do thời gian ủ bệnh ngắn nên bệnh phát triển trong cộng đồng khá nhanh nếu không được quan tâm dự phòng đúng cách.

Đặc điểm gây bệnh của các enterovirus

Phần lớn trẻ mang virus đường ruột trong người mà không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, một trong những căn nguyên chính gây nên các tình trạng bệnh thông thường ở trẻ chính là các virus đường ruột (enterovirus). Biểu hiện thường gặp nhất là sốt không có tính chất rõ ràng và đặc hiệu. Hoặc có khi các biểu hiện bệnh thông thường hay gặp như cảm lạnh thông thường, viêm hầu họng, viêm loét miệng, viêm phổi, ban ngoài da, nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc... Và nặng hơn như viêm gan, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não. Đối với các trường hợp bệnh thông thường, trẻ chỉ cần được chăm sóc và điều trị hỗ trợ tại nhà. Tuy nhiên, các trường hợp nặng cần thiết phải được chăm sóc và theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Nhiễm virus đường ruột (enterovirus) và các biến chứng thần kinh

Theo các nghiên cứu gần đây, có tới 90% các trường hợp viêm màng não được xác định là do virus mắc phải tại cộng đồng có căn nguyên là virus đường ruột (coxsakievirus nhóm B và echovirus). Trong khi đó cũng có đến 10-20% các virus đường ruột trong các căn nguyên gây viêm não do virus.

Các nhà chuyên môn nhận định rằng hầu hết các trường hợp viêm não, màng não do virus đường ruột thường có tiên lượng tốt. Ngoại trừ nếu căn nguyên là virus đường ruột type 71 (EV71) thì bệnh thường nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Kể từ khi được xác định vào năm 1969 thì EV71 đã gây nên một số vụ dịch trên thế giới. Và đặc biệt phải kể đến EV71 cũng là một trong hai căn nguyên chính gây nên hội chứng “chân - tay - miệng” một hội chứng thường gặp ở trẻ em. Do đó, hầu hết các trường hợp viêm não hay có hội chứng não cấp do EV71 thường bắt đầu bằng sốt một vài ngày, sốt có thể kèm theo nôn. Sau đó các tổn thương ở miệng bắt đầu xuất hiện thường là các vết loét ở niêm mạc miệng, ở lưỡi hoặc có khi ở lợi. Tiếp theo là các tổn thương ở tay và chân, thường là các mụn nước xuất hiện ở mu bàn tay, mu bàn chân nhưng cũng có khi xuất hiện ở lòng bàn tay bàn chân. Giai đoạn sau các dấu hiệu nhiễm virus tiên phát thường tự ổn định và các dấu hiệu của não - màng não bắt đầu xuất hiện như nôn, đau đầu, cứng gáy, và có thể liệt... Xét nghiệm dịch não tủy thấy biến đổi như bệnh cảnh của một trường hợp nhiễm virus. Cấy dịch não tủy để tìm vi khuẩn cho kết quả âm tính.

Điều trị

Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp nhiễm virus đường ruột. Những trường hợp nặng phải được nhập viện, theo dõi lâm sàng chặt chẽ để có điều trị hỗ trợ kịp thời. Đối với những trường hợp viêm não - màng não do virus đường ruột có diễn biến kéo dài và nặng, một liệu pháp tiêm globulin miễn dịch đường tĩnh mạch với nồng độ kháng thể cao có thể được áp dụng hoặc liệu pháp trên cũng có thể được áp dụng cho trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Kiểm soát bệnh và dự phòng

Đối với cộng đồng, không quá lo lắng khi thấy có các trường hợp bệnh xuất hiện. Điều quan trọng nhất để phòng và ngăn chặn sự lây truyền bệnh do virus đường ruột là thực hiện tốt việc vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân. Lưu ý việc xử lý phân, các chất thải từ các cháu bị bệnh. Thực hiện việc rửa tay là điều rất quan trọng. Tại bệnh viện, nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp dự phòng thường quy, dự phòng khi tiếp xúc với bệnh phẩm. Người bệnh được cách ly thích hợp để kiểm soát việc lây truyền bệnh trong bệnh viện.