2 trẻ tử vong sau tiêm vaccine không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng

NDO -

Bộ Y tế cho biết, Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp trẻ em tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

(Ảnh: MINH DUY)
(Ảnh: MINH DUY)

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến sổ liệu vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Tính đến ngày 28/11/2021, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh thành phố triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó tiêm mũi 1 là 2.828.743 liệu (tỷ lệ tiêm mũi 1 ước tính là 31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (tỷ lệ tiêm mũi 2 ước tính là 7,5%).

Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt hơn 60% tổng số đối tượng 12-17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang. 

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cho biết: Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17.214.268 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 8.990.664 liều và mũi 2 là 8.253.604 liều.

Theo báo cáo của các tỉnh thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4/1 triệu vaccine liều sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II.

Theo Bộ Y tế, yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là bảo đảm an toàn tiêm chủng. Các cơ sở y tế được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu bảo đảm an toàn là hàng đầu, trên cơ sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19.

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, bảo đảm mỗi trẻ tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất.

Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Các khuyến cáo về các phản ứng sau tiêm chủng rất cần được quan tâm trong quá trình tiêm chủng, các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau, cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm bảo đảm an toàn nhất cho trẻ sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.

Các biến chứng tim mạch ở trẻ sau tiêm một số loại vaccine phòng Covid-19 được phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng nếu có, áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm.

Các bệnh viện trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần bảo đảm an toàn chung cho cả chiến dịch.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân