Xây dựng văn hóa ứng xử: Yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

NDO -

15 mô hình của 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen về mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021.

Trao bằng khen cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu (Ảnh: GDVT).
Trao bằng khen cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu (Ảnh: GDVT).

Nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" và biểu dương mô hình xây dựng văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021.

Xây dựng văn hóa ứng xử: Yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực -0
Khen thưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu (Ảnh: GDVT). 

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện đề án trong giai đoạn 2019-2020 đã đạt được một số kết quả tích cực, khi các tiêu chí đặt ra đều vượt chỉ tiêu.

Cụ thể như, 97% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học. 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

93,5% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử, đạt chỉ tiêu 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai thực hiện sâu rộng đến nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế, như một số hoạt động ngoại khóa vẫn còn mang tính hình thức, phong trào, thời điểm, không thường xuyên, liên tục. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố, một số các cơ sở giáo dục còn chưa chủ động ban hành kế hoạch triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chưa có báo cáo sơ kết kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Kỹ năng nghề nghiệp gắn kết cùng giáo dục văn hóa ứng xử

Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên Trần Bá Uẩn chia sẻ những thực tế trong mô hình xây dựng văn hóa ứng xử của trường, với đặc thù có tới 90% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhà trường đã lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với văn hóa bản địa của địa phương.

Trường đã xây dựng mô hình "nhà trường xanh - ứng xử đẹp", góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Kết hợp văn hóa ứng xử nhà trường xanh, ứng xử đẹp để thúc đẩy tư duy sáng tạo, tự tin cho người dạy, người học… Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên phát động phong trào xây dựng mô hình, tổ chức giờ học ngoại khóa về các kỹ năng ứng xử.

Ông Trần Bá Uẩn cũng cho rằng, cần nhìn nhận, văn hóa ứng xử là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ tri thức của mỗi con người, mỗi quốc gia. Do vậy, ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài kỹ năng nghề nghiệp thì giáo dục văn hóa ứng xử, đạo đức rất quan trọng.

"Nhà trường văn minh - thân thiện - trách nhiệm" là mô hình được Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) triển khai hiệu quả thời gian qua. đang được triển khai.

Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc cho hay, việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền thông, kỹ năng mềm được thực hiện thông qua cuộc thi, hoạt động văn thể mỹ. Đặc biệt, tổ chức các cuộc thi khuyến khích sáng tạo cho giảng viên, học sinh trong trường như cuộc thi về thiết bị tự sáng chế; các hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào thi đua trong giảng dạy và học tập được tổ chức hiệu quả... Kết quả là, sinh viên sau khi ra trường làm đúng ngành đào tạo đạt tới hơn 95%, có ngành đạt 100%...

Mô hình “Nhà trường văn minh - thân thiện - trách nhiệm” đã khẳng định thương hiệu, vị thế của trường, định hướng mục tiêu phát triển của nhà trường. Kết quả này giúp cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường phát huy tốt thế mạnh trên con đường đổi mới, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước" - ông Phạm Hữu Lộc nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai cho rằng, cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Đề án, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong từng trường, phát động thi đua để phát huy vai trò của văn hóa ứng xử.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đánh giá đúng việc triển khai Đề án xây dựng văn hóa ứng xử tại các cơ sở. Đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững về chất lượng nguồn lao động.

Đồng thời, đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rà soát quá trình thực hiện tại các địa phương, chỉ đạo rà soát bộ quy tắc ứng xử để xem có điểm nào cần bổ sung thực hiện. Việc triển khai cần giải pháp thiết thực theo định hướng đổi mới, tránh lối mòn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh có kế hoạch, lộ trình triển khai Đề án văn hóa ứng xử, hỗ trợ học sinh, sinh viên sinh xây dựng văn hóa ứng xử.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu rà soát xem nội dung, phương thức triển khai thời gian qua còn khó khăn, vướng mắc nào để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đặt mục tiêu: 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

95% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.