Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Hệ thống đô thị luôn khẳng định vai trò động lực trung tâm trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đứng trước xu thế phát triển xanh, bền vững, hệ thống đô thị Việt Nam còn nhiều vấn đề phải giải quyết, cũng như cần một lộ trình, kế hoạch triển khai hiệu quả.

Đô thị hóa không đồng đều

Tại Việt Nam, hệ thống đô thị đã có những bước phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng trong 15 năm qua. Đến cuối năm 2014, tổng số đô thị đã đạt con số 774. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên 34,5%. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các đô thị cũng đang tồn tại những thách thức cần được quan tâm, chú trọng để giải quyết các nút thắt trong tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tỷ lệ các đô thị nhỏ chiếm số lượng lớn trong tổng số đô thị quốc gia. Số đô thị từ loại I đến loại IV chỉ chiếm 19%. Đô thị hóa không đồng đều, tập trung cao nhất tại vùng Nam Bộ (64,15%), thấp nhất tại vùng trung du miền núi phía bắc (21,72%). Đô thị hóa đất đai tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị chưa có sự đa dạng, nhất là các đô thị vừa và nhỏ, vô hình trung tạo nên sự cạnh tranh lẫn nhau, không phát huy được các lợi thế so sánh đặc trưng của mỗi địa phương. Sự tăng trưởng dựa vào sản xuất với nhân công giá rẻ, hiệu suất lao động thấp, dịch vụ tư nhân tại chỗ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đem lại giá trị thặng dư thấp, khó có khả năng duy trì tăng trưởng lâu dài, dễ bị tác động do biến động kinh tế và tự nhiên. Hơn nữa, ý thức ưu tiên phát triển kinh tế mà quên đi những phí tổn tài nguyên môi trường, cảnh quan tự nhiên còn phổ biến, càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Đồng thời, nguồn vốn để thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu còn quá hạn hẹp và thiếu các chính sách huy động nguồn lực xã hội.

Một nguyên nhân khách quan khiến việc xây dựng đô thị tăng trưởng xanh còn nhiều khó khăn là do chưa có khái niệm rõ ràng về đô thị tăng trưởng xanh, chưa có các tiêu chí cụ thể cũng như chưa có nhiều ví dụ thực tiễn về lĩnh vực này ở cấp độ quy mô toàn đô thị. Đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế về các mô hình tổng thể đô thị gần gũi với quan điểm đô thị tăng trưởng xanh với các tên gọi khác nhau như: đô thị xanh, đô thị sinh thái (Eco City), đô thị kinh tế -sinh thái (E2 City), đô thị thông minh (Smart City)... Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia áp dụng các chuẩn khác nhau phụ thuộc vào trình độ, năng lực phát triển công nghệ, thị trường phục vụ, điều kiện tự nhiên..., do đó khi áp dụng vào Việt Nam cũng cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn

Theo thống kê ban đầu của 59 đô thị loại IV trở lên, hiện nay đã có 24/59 đô thị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trong số 24 đô thị này, có đến 15 đô thị chỉ có một văn bản chỉ đạo. Do vậy, trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo triển khai xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch hành động cần bảo đảm có khả năng lồng ghép vào quy hoạch của địa phương về các lĩnh vực: sản xuất tiêu dùng bền vững, giám sát khí thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, xanh hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên...

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 23-9-2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho thời kỳ 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng là cơ quan trung ương quản lý nhà nước về phát triển đô thị đã chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế và trong nước nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, định hướng chính sách, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung vào năm nhiệm vụ chính như rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành xây dựng từ quan điểm phát triển bền vững; xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành xây dựng giai đoạn 2014 - 2020. Đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch cải tạo đô thị theo hướng tiêu chuẩn bền vững, hoàn thiện thể chế trong giai đoạn 2013 - 2020. Đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng theo hướng bền vững ở một số đô thị chọn lọc...

Trên thực tế, tình hình đô thị hóa trên toàn quốc cũng như xu hướng tác động của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các đô thị phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực có tính cạnh tranh và hiệu suất cao. Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị, đòi hỏi sự thống nhất vào cuộc của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành cũng như huy động sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan trong xã hội. Đô thị Việt Nam còn những bất cập, nhưng có những điểm mạnh và lợi thế riêng cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo của các đô thị, đô thị tăng trưởng xanh sẽ góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của các đô thị Việt Nam còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh mới đạt 39 điểm, trong khi đó Băng-cốc (Thái-lan) đạt 60 điểm, Đài Loan (Trung Quốc) đạt 68 điểm. Tô-ky-ô (Nhật Bản) đạt 90 điểm...

(Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tháng 4-2015)