Xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái

Năm 2022 là năm thứ 5 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Tháng Nhân đạo. Với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tháng 5 hằng năm trở thành tháng cao điểm để các cấp Hội tập trung hỗ trợ những người khó khăn, dễ bị tổn thương trong cộng đồng. 

Phiên chợ nhân đạo tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Phiên chợ nhân đạo tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Công tác này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động thực tiễn của các tầng lớp nhân dân trong công tác nhân đạo, lan tỏa giá trị truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc.

Xác định việc triển khai Tháng Nhân đạo cần sáng tạo, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp điều kiện thực tiễn tại địa phương, đơn vị, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên đã tập trung hướng vào các hoạt động thế mạnh của Hội. Hội đã khảo sát, nắm bắt, thiết lập hệ thống dữ liệu địa chỉ nhân đạo đối với các đối tượng khó khăn, yếu thế cần trợ giúp và kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai với các hình thức: Xây dựng nhà nhân đạo, trao tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu…

Gia đình anh Vũ Văn Trường là hộ gia đình đặc biệt khó khăn của xóm Bản Cái, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương. Năm 2016, người con trai lớn của anh bị mắc hội chứng thận hư. Đến năm 2019, anh Trường phát hiện bệnh suy thận. Gia đình phải vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị cho hai bố con. Mọi chi tiêu sinh hoạt trông chờ vào số tiền công hai triệu đồng mà mỗi tháng anh Trường kiếm được. Căn nhà gia đình anh đang ở cũng xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn. Tại xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, nhắc đến hoàn cảnh của bà Đặng Thị Múi, ai nấy đều xót thương cho số phận éo le, gian truân của bà. Tuổi đã già nhưng hằng ngày bà vẫn phải nấu từng bát cơm, trông chừng hai người con trai bị mắc bệnh tâm thần. Không có việc làm ổn định, nhiều lúc bà phải đi phơi tăm tre để bán lấy tiền nuôi con.

Để gắn kết những địa chỉ nhân đạo như hoàn cảnh anh Vũ Văn Trường hay bà Đặng Thị Múi, với những tấm lòng hảo tâm khắp cả nước, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị. “Trong Tháng Nhân đạo năm nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đặt mục tiêu vận động được 5 tỷ đồng, hỗ trợ ít nhất 7.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, với hình thức trợ giúp và mức trợ giúp thích hợp; mỗi hội cấp huyện đăng ký xây dựng ít nhất một công trình nhân đạo, trị giá tối thiểu 20 triệu đồng/công trình; có ít nhất 200 địa chỉ nhân đạo được giới thiệu và được kết nối thông qua hệ thống iNhandao, trong đó mỗi hội cấp huyện giới thiệu được ít nhất 20 địa chỉ mới. Mỗi chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Duệ cho biết.

Nhờ nguồn động viên to lớn và ý nghĩa của Hội Chữ thập đỏ đối với những mảnh đời kém may mắn, trong Tháng Nhân đạo năm nay, ước mơ được hỗ trợ xây dựng nhà nhân đạo của anh Vũ Văn Trường đã thành hiện thực. Còn bà Đặng Thị Múi không giấu nổi xúc động khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần, sự san sẻ của các nhà hảo tâm để bà vơi bớt gánh nặng trên đôi vai già yếu.

Tại thành phố Đà Nẵng, một trong những hoạt động trợ giúp nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai trong Tháng Nhân đạo, với sự hưởng ứng, vào cuộc của các cấp Hội là Chương trình “Bữa cơm 0 đồng”, trao 10 nghìn suất ăn miễn phí tặng các đối tượng yếu thế. Chương trình đã được các cấp Hội, câu lạc bộ, tổ chức trực thuộc hưởng ứng tham gia và nhanh chóng thực hiện. Đối tượng được sẻ chia cũng mở rộng hơn: hộ nghèo, lao động tự do, trẻ đang sinh hoạt tại các trung tâm bảo trợ, người nhà và bệnh nhân tại bệnh viện...

Ngay sau phát động, Thành hội cùng các hội viên, tình nguyện viên có mặt tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng-cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) để nấu tặng các em nhỏ bữa trưa. Gần 20 thành viên Câu lạc bộ Máu nóng Ban Mai Xanh (thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cùng nhau lên kế hoạch, chọn các địa điểm, đối tượng khác nhau để trao những suất cơm, hộp cháo tặng người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; hay suất ăn, sữa, bánh kẹo và quà tặng các em nhỏ khuyết tật; suất bánh ướt buổi xế dành tặng những cô lao công, bán vé số... Được nhận những suất ăn từ các bạn tình nguyện viên, chị Lê Thị Phấn (47 tuổi) đang cùng các chị em làm thêm tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) tâm sự: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các bạn tình nguyện viên mang phần ăn tặng cả mấy chị em ở đây. Chúng tôi ở đây phụ việc tới 8 giờ tối mới về tới nhà, cho nên có bữa ăn chiều này, chị em cũng ấm bụng hơn”.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiến Lâm cho biết: “Với mục tiêu hỗ trợ 15 nghìn người nghèo, khó khăn trong Tháng Nhân đạo, toàn Hội đã triển khai nhiều chương trình để phù hợp các đối tượng và hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, hoạt động trao tặng 10 nghìn suất ăn miễn phí đã được thực hiện rộng khắp. Đây là mô hình được các cấp thực hiện không chỉ trong Tháng Nhân đạo, mà thường xuyên được duy trì trong các năm, nhằm chia sẻ nhiều hơn đến với người khó khăn toàn thành phố”.

Tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, vừa qua, phiên chợ nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức trong niềm vui mừng của bà con có hoàn cảnh khó khăn. Phiên chợ có 22 gian hàng gồm gạo và các nhu yếu phẩm khác như: đường, nước tương, nước mắm, mì gói, dầu ăn, rau, củ, quả… 400 phần quà với mỗi phần trị giá 500 nghìn đồng đã được trao tới hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Người đi chợ sẽ sử dụng phiếu được phát trước để chọn các mặt hàng mà gia đình cần.

Vợ chồng ông Phạm Thái Bình, ngụ khóm 1, phường 2, thành phố Cao Lãnh, trước giờ sống bằng nghề làm thuê ở khu vực chợ Cao Lãnh. Từ ngày vợ ông Bình bị bệnh, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, luôn thiếu trước hụt sau. Cũng như nhiều hộ nghèo khác, ông Bình cầm phiếu mua hàng để được lựa chọn mua nhu yếu phẩm miễn phí. “Tôi rất xúc động khi địa phương lo lắng cho người dân bằng những việc làm nghĩa tình. Tất cả món đồ sử dụng hằng ngày, gia đình tôi thấy rất thiết thực” - ông Bình chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp Võ Trường Sơn cho biết: “Hoạt động của phiên Chợ nhân đạo nhằm hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2022, đồng thời vừa chia sẻ một phần khó khăn, vừa động viên các hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn sớm vươn lên ổn định cuộc sống. Các cấp Hội tăng cường vận động chính sách, vận động nguồn lực, đồng thời tổ chức hiệu quả các hoạt động trợ giúp nhân đạo các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn”.

Tháng Nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2018, qua bốn năm triển khai đạt trị giá 1.513 tỷ đồng, trợ giúp hơn 3,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Với chủ đề “Gắn kết cộng đồng-Lan tỏa hành động nhân ái”, Tháng Nhân đạo năm 2022, toàn Hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để trợ giúp một triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, nét mới trong Tháng Nhân đạo năm nay là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã khởi động hai Chương trình trọng điểm triển khai trong 5 năm tới, gồm: “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” trong toàn hệ thống Hội.

“Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn kêu gọi và tiếp nhận nguồn lực của toàn xã hội chung tay trợ giúp những ngư dân nghèo, khó khăn yên tâm vươn khơi, bám biển và hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng các em nghèo, khuyết tật, giúp các em thực hiện những ước mơ học tập và từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống. Chúng tôi hy vọng, các tầng lớp nhân dân cùng nhau gắn kết bằng những việc làm tử tế cho dù nhỏ bé. Mỗi hành động nhân ái đó có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái”, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng chia sẻ.