Xả nhiều trạm thu phí do ùn tắc kéo dài

Từ chiều tối 29 đến sáng 30/4, trên nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều người “mắc kẹt” cả tiếng đồng hồ không thể di chuyển, một số trạm thu phí buộc phải xả trạm do ùn tắc kéo dài.

Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: baogiaothong.vn)
Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Theo nhận định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ 20 giờ ngày 29/4, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến, cao gấp 3 lần bình thường với khoảng 120 nghìn lượt. Tình trạng này kéo dài đến 1-2 giờ sáng ngày 30/4 mới chấm dứt, cho thấy quy luật di chuyển của người dân dịp lễ đã thay đổi.

Tuyến đường vành đai 3 trên cao thành phố Hà Nội bắt đầu ùn tắc từ 18 giờ ngày 29/4, càng về khuya càng trở nên kẹt cứng, kéo dài tới 2-3 giờ sáng 30/4 mới phần nào vãn hồi.

Từ sáng sớm 30/4, đoạn từ Linh Đàm xuống cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ bắt đầu tắc trở lại. Tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ xuất hiện ùn ứ từ tối 29/4 đến 1 giờ ngày 30/4, phương tiện nào chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) phải lưu thông rất chậm qua trạm để nhận thẻ vào cao tốc tại các làn thu phí hỗn hợp. Đại diện Công ty BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay, do hai tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và Cầu Giẽ-Ninh Bình đã liên thông, trạm Pháp Vân là trạm đầu vào, không thu tiền mà chỉ phát vé nên việc xả trạm không có nhiều ý nghĩa. Công ty tập trung tối đa lực lượng nhân viên, điều tiết dòng phương tiện, mỗi xe qua trạm không quá 5 giây nên không bị ùn tắc kéo dài, phương tiện chỉ di chuyển chậm qua trạm.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Văn Nhi cho biết, lưu lượng giao thông trên tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình tăng nhanh từ khoảng 6 giờ sáng 30/4. Lúc 8 giờ 30 phút, trạm thu phí tại nút giao Cao Bồ trên tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình đã bị quá tải, lưu lượng xe tăng mạnh trên tuyến Cao Bồ-Mai Sơn khiến xe ùn ứ trên cả hai tuyến cao tốc nên phải xả trạm 52 phút, từ 8 giờ 2 phút đến 8 giờ 54 phút, sau đó đã thu phí trở lại. Đại diện VEC khuyến cáo người dân nên ra nút giao Đại Xuyên, sang quốc lộ 1A đi vào đường tránh thành phố Phủ Lý (Hà Nam), sau đó vào đường tránh thành phố Ninh Bình ra Dốc Xây về Thanh Hóa để tránh ùn tắc.

Trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, ngay từ sáng sớm 30/4, lưu lượng phương tiện tăng cao với khoảng 15 nghìn lượt. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã tăng cường nhân lực, bảo đảm phương tiện di chuyển bình thường. Hệ thống thu phí ETC hoạt động ổn định, xe không có thẻ được nhân viên trạm thu phí trực tiếp phát thẻ vé nên không bị ùn tắc nghiêm trọng. VIDIFI cũng bố trí xe cứu hộ để xử lý ngay các phương tiện bị hỏng hóc ở trạm thu phí, trường hợp lượng phương tiện quá đông sẽ điều tiết, phân luồng sang các tuyến đường khác. Tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai lưu lượng cũng tăng nhanh từ lúc 8 giờ, các trạm đều mở toàn bộ làn cho xe ra vào. Trạm Km 6 đầu vào tuyến có lượng xe tăng, đơn vị thu phí mở đủ 11 làn, trong đó có sáu làn thu phí và bốn làn phát thẻ đầu vào, một làn đóng mở linh hoạt.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, dòng xe tràn về cửa ngõ phía đông hướng đi Đồng Nai, Vũng Tàu và Tây Nguyên từ rạng sáng, gây ùn tắc kéo dài trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Hai vụ va chạm phương tiện đã xảy ra trên cầu Long Thành, gây kẹt xe kéo dài tại khu vực trạm thu phí Long Phước. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) Nguyễn Thị Hoài Phương cho hay, VEC E đã xả trạm thu phí Long Phước (hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng Nai) từ 5 giờ 45 phút sáng và phân luồng từ xa, điều tiết phương tiện hạn chế đi vào cao tốc. Đến gần 7 giờ sáng, các vụ va chạm được giải tỏa, giao thông tại đây trở lại bình thường. Khu vực phà Cát Lái qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng bị ùn tắc kéo dài hơn 2 km trên đường Nguyễn Thị Định, từ sáng sớm tới hơn 11 giờ mới giảm bớt.

Đại diện đơn vị quản lý phà Cát Lái cho biết, ngày 30/4, phà phục vụ hơn 75 nghìn hành khách, huy động bảy phà và điều tiết tần suất ưu tiên chở khách từ thành phố Hồ Chí Minh qua hướng Đồng Nai để giảm ùn tắc. Đại diện Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (BVEC) cho biết, từ đầu giờ sáng 30/4, lượng xe trên quốc lộ 51 hướng thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đi Vũng Tàu bắt đầu tăng cao đột biến gây kẹt xe 2-3 km. Trạm thu phí T2 phải xả trạm từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ. Đến đầu giờ chiều, giao thông trên quốc lộ 51 bình thường trở lại, các phương tiện lưu thông ổn định qua trạm thu phí. Trên các tuyến cao tốc, quốc lộ về miền Tây Nam Bộ, cũng xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Trong ngày 30/4, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận được sáu cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại một số tuyến đường, tăng giá vé, xe khách đi lòng vòng bắt khách,...

Sau khi nhận được thông tin trên đường dây nóng, Ủy ban đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý thông tin được phản ánh. TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban nhận định, dịp nghỉ lễ năm nay, lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, dẫn tới ùn tắc giao thông kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ và tại các bến xe, nhà ga, sân bay, đặc biệt là tại trạm thu phí trên các tuyến cao tốc ra, vào cửa ngõ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng các địa phương, nhất là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là chỉ huy giao thông, trực tiếp phân luồng để giảm ùn tắc giao thông, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải ■

TRANG LY

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 30/4, cả nước xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông (tất cả đều xảy ra trên đường bộ), làm chết 12 người, bị thương 9 người. So cùng kỳ ngày 30/4/2021, tai nạn giao thông tăng 5 vụ (20,8%), giảm 1 người chết (7,69%) và giảm 2 người bị thương (18,1%). Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý gần 7.800 trường hợp vi phạm; xử phạt gần 12,6 tỷ đồng; tạm giữ  hơn 100 ô-tô và hơn 1.100 xe máy. Các lỗi tập trung xử lý gồm 527 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 6 trường hợp ma túy; 115 trường hợp chở quá số người quy định; gần 240 trường hợp chở hàng quá khổ, quá tải trọng,...