Vượt khó, thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi

NDO -

Trong nhiều năm qua, hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội của Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả, mở đường cho nhiều hộ gia đình cựu chiến binh vượt khó, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Huỳnh Đạo là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà.
Anh Nguyễn Huỳnh Đạo là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà.

Trong nhiều năm, hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội của các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần lan rộng sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đến nhóm người yếu thế. Với sự triển khai đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và các cấp Hội Cựu chiến binh, kênh tín dụng riêng để phục vụ người nghèo đã giúp nhiều cựu chiến binh từ nghèo, cận nghèo đến thoát khỏi đói, nghèo, trở thành hộ có mức sống trung bình và khá; đồng thời, tạo điều kiện cho họ quay trở lại giúp đỡ các hội viên, đồng đội khác.

Xin kể một trường hợp cụ thể: Tại cửa hàng in ấn nhỏ của mình tại tổ 5, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chủ cửa hàng Nguyễn Huỳnh Đạo kể rằng, anh từng có một khoảng thời gian dài gặp khó khăn khi tìm đường mưu sinh. 

Năm 19 tuổi, anh Đạo lên đường nhập ngũ; sau khi hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương chật vật tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Anh Đạo chia sẻ: “Năm 1993, xuất ngũ về thì kinh tế khó khăn, rồi mình cũng mày mò, học hỏi chỗ anh em, bạn bè, đồng đội đi trước. Sau một thời gian lập gia đình và có con nhỏ, thì khó khăn, vất vả hơn, thuộc trong diện hộ nghèo. Rồi mình vào nam đi làm, đến khi bé vào cấp 1 thì về”. 

Khi ấy, biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Nguyễn Huỳnh Đạo, Hội Cựu chiến binh phường An Hải Đông và quận Sơn Trà đã quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ anh vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm tạo điều kiện cho anh vươn lên, thoát nghèo. Thông qua Hội Cựu chiến binh, anh vay 20 triệu đồng từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn 3 năm để mở cửa hàng in ấn. Máy cũ lại hay hỏng vặt, cửa hàng chưa ai biết đến, không khỏi khiến một người chập chững kinh doanh như anh Đạo gặp những trục trặc ban đầu.

Nhờ sự động viên, theo dõi sát sao của Hội Cựu chiến binh phường và quận, anh Đạo đã cố gắng duy trì công việc, trả nợ đúng hạn, tiếp tục thông qua hội vay tiếp 50 triệu đồng phát triển kinh doanh. Cũng từ đây, anh chính thức thoát nghèo. “Mới làm thì như trẻ con mới biết đi vậy, cũng có vấp ngã. Một ngày mình làm mười mấy nghìn mà tiền mặt bằng nữa, cũng lo không trả được nợ. Nhưng 2 năm trong quân ngũ cũng rèn được cái ý chí mạnh mẽ, rồi nhờ các chú, các bác trong hội động viên những lúc khó khăn, vươn lên vượt khó”.

Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng về tín dụng cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội: Đầu nhiệm kỳ 2017-2022, tổng dư nợ của hội là 337 tỷ đồng, trong đó có: 12.932 số hộ vay; 331 số tổ tiết kiệm và vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,24%. Đến 3/2022, tổng dư nợ tăng lên 775,234 tỷ đồng, trong đó số hộ vay tăng lên 16.560 hộ, còn số tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên 392 tổ. Đồng thời, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,07%. Hiện nay, trong toàn hội đã có 87 doanh nghiệp nhỏ, 4 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác, 22 trang trại, 95 gia trại và 903 hộ kinh doanh dịch vụ do cựu chiến binh làm chủ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Ông Phan Duy Huấn, cán bộ Ban Tuyên giáo phong trào phụ trách kinh tế của Hội Cựu chiến binh thành phố cho biết: Theo tiêu chí của thành phố, số hộ cựu chiến binh nghèo toàn thành phố đầu nhiệm kỳ là 491 hộ, nhưng đến cuối tháng 12/2021 thì còn 26 hộ cựu chiến binh nghèo theo tiêu chí cũ. Tuy nhiên, những hộ này không còn sức lao động, nên đang đề nghị chuyển sang chế độ bảo trợ xã hội. Bước sang nhiệm kỳ 2022-2027, theo tiêu chí mới của thành phố, thì có 130 hộ cựu chiến binh nghèo toàn thành phố.

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh thành phố đang rà soát cụ thể từng hộ; đồng thời, các cấp hội tăng cường phối hợp với ban, ngành địa phương vận động nguồn lực xã hội, để giúp những hộ nghèo theo tiêu chí mới thoát nghèo. 

Ông Huấn đánh giá: “Hai năm dịch bệnh Covid-19 diễn ra như thế, nhưng cũng nhờ vốn vay ủy thác mà các hội viên Hội Cựu chiến binh không tái nghèo. Đời sống của các cựu chiến binh mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng vẫn duy trì được cuộc sống ổn định. Thí dụ như anh Nguyễn Huỳnh Đạo, từ một hộ nghèo, nhờ vay vốn ủy thác mà bây giờ có mức sống khá hơn, quay lại giúp đỡ người khác. Vậy nên, tôi khẳng định là vốn vay ưu đãi cực kỳ có tác dụng đối với cuộc sống của những hộ dân nghèo, cận nghèo”.

Tại kỳ họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố vừa qua, Hội Cựu chiến binh thành phố đã đề xuất HĐND thành phố có 1 khoản cho hộ trung bình vay vốn để phát triển kinh tế. Theo đó, HĐND thành phố trích 1 phần ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho các hộ dân mức sống trung bình vay vốn ưu đãi, để tránh trường hợp các hộ này vay tín dụng đen, dẫn đến tái nghèo.

“Nếu làm được thì sẽ rất có ích cho các hộ có mức sống mấp mé giữa cận nghèo và trung bình, giúp những hộ này không tái cận nghèo. Còn khi sa vào tín dụng đen, thì dễ thành hộ nghèo, chứ không còn là cận nghèo nữa”, ông Huấn cho hay.