Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam

NDO -

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và giải pháp”. 

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia.

Tới dự và chủ trì hội thảo, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh chuẩn mực gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Đồng chí nhấn mạnh, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đặt chương trình hành động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì thế, việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội; xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Đồng thời, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn về việc cần quan tâm đến bốn nhóm giá trị gia đình thời gian tới, gồm: các giá trị đạo đức, nề nếp, nhân văn trong văn hóa gia đình; giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình; các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng; yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang đánh giá, hội thảo thể hiện đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII về gia đình; cụ thể hóa được những nhiệm vụ, những hoạt động mà các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn cần tiếp tục triển khai để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xem xét, xây dựng phong trào thi đua vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, lấy phụ nữ và hội phụ nữ các cấp làm hạt nhân nhằm bảo vệ các truyền thống giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp từng gia đình và hệ thống chính sách có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức của môi trường khách quan, để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, vợ chồng bình đằng, cùng nhau xây dựng gia đình thịnh vượng, bền vững và văn hóa, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, gia đình Việt Nam đang có sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và các thiết chế xã hội khác. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc nghiên cứu, xác định và triển khai gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam; đề xuất gợi ý các phong trào, cuộc vận động về gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp để triển khai thời gian tới.