Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, đột phá, liên vùng

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tiên phong triển khai xây dựng, hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Bộ trưởng GTVT NGUYỄN VĂN THỂ một số vấn đề chung quanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp hoàn thành đầu tư đường cao tốc bắc-nam.

Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Ðầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Ðầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, 5 quy hoạch ngành giao thông là 5 quy hoạch đầu tiên trong tổng số 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo triển khai như thế nào để 5 quy hoạch này đạt hiệu quả cao nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Có thể nói, đây là lần đầu cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức, trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics. Quy hoạch được xây dựng trong điều kiện chưa có Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều mới bắt đầu lập. Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, công tác khảo sát, thu thập số liệu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Bộ GTVT đã chủ động xây dựng nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp chuyên gia quốc tế sử dụng các phương pháp nghiên cứu, tính toán hiện đại với độ tin cậy cao để bảo đảm chất lượng và tiến độ lập quy hoạch. Ðến thời điểm này, đã có 4/5 quy hoạch chuyên ngành và cũng là 4 quy hoạch đầu tiên trong tổng số 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng quy hoạch hàng không đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.

Ðể triển khai các quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất, Bộ GTVT sẽ tập trung tổ chức lập quy hoạch chi tiết (trừ đường thủy nội địa) cho từng chuyên ngành; lập kế hoạch khả thi về nguồn lực, lên danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn trung hạn trên cơ sở mức vốn được Quốc hội phân bổ. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, đột phá, liên kết vùng, có tính lan tỏa và các công trình ở khu vực khó khăn; phân cấp địa phương thực hiện dự án giải phóng mặt bằng để rút ngắn tiến độ đầu tư. Ðồng thời, rà soát bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và thống nhất, đồng thời thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án. Nói khái quát, việc lập kế hoạch thực hiện các quy hoạch cũng cần phải được triển khai bài bản, khoa học, bảo đảm khách quan và khả thi cao. Bên cạnh đó, cần có sự chủ động vào cuộc của các địa phương để hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mang tính đột phá.

PV: Những năm qua, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt được kết quả vượt trội so với các ngành, lĩnh vực khác, nhờ sự chỉ đạo sát sao, coi đây là thước đo đối với công tác điều hành cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT có giải pháp gì để tiếp tục duy trì kết quả giải ngân như hiện nay, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch và phòng, chống tiêu cực?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành đối với giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ kết quả giải ngân của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư liên quan, lấy kết quả giải ngân để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, với ý thức, trách nhiệm ngày càng cao của chủ đầu tư, nhà thầu, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả giải ngân năm 2020 của Bộ GTVT đạt 96,2%; cao nhất trong kỳ trung hạn 2016-2020 của Bộ. Năm nay, Bộ thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do lãnh đạo Bộ trực tiếp làm tổ trưởng, phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu hết năm 2021, kết quả giải ngân của Bộ tương đương năm 2020.

Ðể tiếp tục duy trì kết quả giải ngân trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm gồm: Triển khai thi công công trình gắn với biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động; không để gián đoạn công trường do dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, quyết toán và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, bảo đảm trình tự theo quy định, xử lý nghiêm cán bộ gây khó dễ khi thanh toán. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu; giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối trong thi công. Ðồng thời, cử cán bộ có thẩm quyền trực tiếp ra giám sát hiện trường, phối hợp, làm việc với các đơn vị, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, vật liệu, đốc thúc nhà thầu, tư vấn tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ,...

PV: Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông. Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hiện nay để hoàn thành mục tiêu này không dễ dàng. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù gì để triển khai thành công dự án?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Có thể nói, cao tốc bắc-nam phía đông là tuyến đường bộ huyết mạch, "trục giao thông" xương sống của cả nước. Việc tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế-chính trị; mở rộng không gian phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị, logistics của các địa phương,… Thực tiễn đã chứng minh, đường cao tốc mở ra đến đâu, đóng góp rất hiệu quả vào kết quả tăng trưởng GRDP của địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đến đấy.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/9/2021, tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông có tổng chiều dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa được đầu tư. Ðại hội XIII của Ðảng đã đặt ra mục tiêu "Ðến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông". Triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2021, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành báo cáo chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu nhiều phương án đầu tư, huy động vốn nhằm triển khai thành công, trong đó có phương án đầu tư toàn bộ 12/12 dự án thành phần theo phương thức đối tác công-tư (PPP); chọn 4-5 dự án có tính khả thi cao triển khai PPP, còn lại đầu tư công; hoặc đầu tư công toàn bộ 12 dự án,... Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, mời một số Ủy ban của Quốc hội cùng dự để tiếp thu, làm rõ tính khả thi từng phương án. Trên cơ sở tính cấp bách, hiệu quả của dự án, để triển khai thành công và sớm hoàn thành đường bộ cao tốc bắc-nam, Chính phủ quyết định trình Quốc hội triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

QUANG HƯNG (thực hiện)