Truyền thông về đại dịch Covid-19 và câu chuyện Việt Nam

NDO -

Chiều 27/11, phiên toàn thể “Truyền thông về đại dịch Covid-19: Câu chuyện Việt Nam” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Các diễn giả Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm của nước ta trong truyền thông về đại dịch Covid-19 (Ảnh: Ban tổ chức).
Các diễn giả Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm của nước ta trong truyền thông về đại dịch Covid-19 (Ảnh: Ban tổ chức).

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông khoa học: Quản lý hiện tại và tương lai” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Trung tâm Thông tin và Truyền thông châu Á (AMIC) tổ chức

Phiên toàn thể có sự tham gia của các diễn giả Việt Nam là chuyên gia và nhà nghiên cứu truyền thông và sự tham dự của đại biểu từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Trong phiên toàn thể này, các diễn giả nước ta đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong truyền thông về tình hình dịch bệnh; phòng, chống thông tin sai lệch, tin giả về dịch bệnh và truyền thông vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là chủ đề được giới nghiên cứu và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch đầu tiên và đang nỗ lực kiểm soát đợt dịch thứ tư.

Bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển, chia sẻ về hoạt động truyền thông của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 từ năm 2020 đến giữa năm 2021. Nghiên cứu của tác giả đã làm rõ phương thức Chính phủ sử dụng mạng xã hội Facebook để lan tỏa thông tin về đại dịch. Các thông tin về dịch bệnh được cung cấp đầy đủ và cập nhật thường xuyên trên fanpage Thông tin Chính phủ. Công chúng có sự phản hồi tích cực với thông tin, thể hiện qua việc số lượt thích trang và thích các bài viết tăng dần theo thời gian.

TS Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đề cập chủ đề về niềm tin của người dân vào Chính phủ trong đại dịch Covid-19. Nghiên cứu với hơn 1.200 người từ ba miền bắc, trung và nam của TS Vũ Thanh Vân cho thấy, người dân có niềm tin với nỗ lực phòng, chống dịch của Chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh ba đợt dịch đầu tiên được kiểm soát thành công. Niềm tin của công chúng vào Chính phủ góp phần thúc đẩy người dân chung tay phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội... Nghiên cứu này cũng chỉ ra, người dân càng tin tưởng Chính phủ bao nhiêu, thì họ càng sẵn sàng tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bấy nhiêu. Điều này đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Truyền thông về đại dịch Covid-19 và câu chuyện Việt Nam -0
Các clip ca nhạc vui nhộn giúp đưa thông điệp phòng, chống dịch hiệu quả đến đông đảo người dân.

TS Nguyễn Văn Thanh Long, Giảng viên chính Đại học RMIT Việt Nam thông tin về chiến lược truyền thông của Chính phủ Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Ông nhận định, Chính phủ đã sử dụng thành công các nền tảng truyền thông khác nhau để có được lòng tin từ công chúng mục tiêu. Thực tiễn truyền thông của Chính phủ cho thấy, thông tin rõ ràng, nhất quán và chính xác về đại dịch là rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và định hướng hành vi phòng, chống dịch. Việc phối hợp cả phương tiện mới và phương tiện truyền thống đem lại thành công trong việc ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, những người nổi tiếng cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin về dịch bệnh đến công chúng. Các clip ca nhạc vui nhộn như “Ghen Côvy” giúp truyền đi thông điệp hiệu quả về hành vi phòng, chống dịch.

Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông khoa học: Quản lý hiện tại và tương lai” được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm Thông tin và Truyền thông châu Á và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Truyền thông khoa học là chìa khóa cho các vấn đề phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, giúp các quốc gia quản lý tốt hiện tại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.