Trung thu là gì vậy mẹ?

NDO -

Mấy ngày qua học sinh hai lớp 1A1, 1A2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học Vàng Đán, huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) cứ hỏi đi hỏi lại cô giáo chủ nhiệm của mình câu ấy, khiến hai cô Bùi Thị Phanh, Bùi Thị Thảo chốc chốc lại dừng việc để trả lời, giải thích để đàn con nhỏ của mình hiểu về ý nghĩa Tết Trung thu.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tặng quà đón Tết Trung Thu cho các học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tặng quà đón Tết Trung Thu cho các học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán.

Chuyện bắt đầu từ buổi chiều 29-9, khi nghe các cô thông báo tập trung về sân trường vui Tết Trung thu thì cả thảy 40 học sinh khối 1 cũng theo các anh, chị lên sân trường. Áo quần ngay ngắn, gọn gàng, cháu nào cháu ấy vui mừng, háo hức cho dù hầu hết các cháu đều không hiểu ý nghĩa Tết Trung thu là gì? Vì sao lại gọi Tết Trung thu! Rồi ngay cả khi được các cô, các bác Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên trao tận tay từng túi quà có bánh, có kẹo, có đèn ông sao thì những em nhỏ ấy vẫn không hiểu, vì sao Trung thu lại được cho quà. Cậu bé Lầu Thành Công, ngồi ngay hàng đầu lớp 1A2 lúc nhận quà còn ngơ ngác, sợ sệt vì chẳng hiểu “sao cháu được tặng quà”.

Trung thu là gì vậy mẹ? -0

Niềm vui của học trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán khi được các cô, bác ở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tặng quà đón Tết Trung Thu.

Ôm các trò nhỏ thương yêu vào lòng, cô Bùi Thị Phanh, Chủ nhiệm lớp 1A1 thoáng ngậm ngùi khi nói về hoàn cảnh các trò. Lớp có 20 cháu thì 100% là con em đồng bào dân tộc H’Mông; nhà các em ở bản xa, đều cách trường hơn chục cây số nên việc học, ăn, ở của các em đều do các cô chăm sóc, bởi cả tuần các em chỉ về nhà từ trưa thứ 6 đến chiều chủ nhật lại được người nhà đưa đến trường. Tuổi lên 6, nhưng hầu hết các em đều dại khờ, nhiều em không biết tiếng phổ thông nên khi bắt đầu về trường học chữ thì cũng là khi các em bắt đầu làm quen với tiếng Việt và bắt đầu học cách đánh răng, chải đầu. Nhà nghèo, đông anh chị em, rất nhiều em chưa lần nào biết đèn ông sao hay bánh dẻo, bánh nướng, bởi thế mà Tết Trung thu với các em rất lạ, hệt như thể lần đầu xa nhà đi về trường học chữ với cô.

Trung thu là gì vậy mẹ? -0
 Cậu trò nghèo Lầu Thành Công (hàng đầu) hồi hộp khi chờ nhận quà Tết Trung thu.

Ngồi trong lòng cô giáo, cậu trò nhỏ Lầu Thành Công cứ chốc chốc lại mở gói quà ra ngó vẻ háo hức vẻ, tò mò! “Từ hôm được các bác tặng quà đến nay bạn ấy vui lắm! Dù trên lớp, hay ở phòng Công đều giữ khư khư túi quà bên mình để đợi cuối tuần đem về cho bố mẹ và các em cùng ăn” - cô Bùi Thị Thảo kể chuyện Công như thế! Hỏi Công có nhớ nhà không thì em gật đầu và nói: “Cháu nhớ bố mẹ, nhớ các em”, rồi cậu bé lại cúi xuống mân mê trên túi quà của mình.

Tâm sự với chúng tôi, cô Trịnh Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán đã nói như để trút nỗi niềm của cô, trò trường nghèo ở vùng biên gian khó. Trong tổng số 536 học sinh toàn trường thì có tới 379 cháu là con hộ nghèo, còn lại con em các gia đình cận nghèo. Cuộc sống nghèo khó lại ở trên núi xa khuất nẻo, Tết Trung thu với các em là điều lạ lẫm lắm! Để các con thêm niềm vui nhỏ, Tết Trung thu năm trước mỗi thầy, cô giáo trong trường đã góp một chút mua ít bánh, kẹo cho các con liên hoan phá cỗ mà ngặt nỗi lại không thể mua thêm đèn ông sao. Bởi không đủ mua mỗi con một cái thì rất khó…! Nhưng năm nay, nhờ tấm lòng của các cô, bác ở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mà 536 em đều có cỗ đủ đầy với bánh, với kẹo với đèn ông sao!

Và hôm nay, khi trò nhỏ Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán háo hức đợi đêm rằm; thì các thầy, cô cũng mong đợi đêm rằm vằng vặc ánh trăng để giải nghĩa Tết Trung thu cho các con được đúng nghĩa vẹn tròn, để các con thấy Trung thu nơi biên giới dù đơn sơ mà ấm áp nghĩa tình.