Trở về Ngã ba Ðồng Lộc

NDO -

45 năm đã đi qua, Ngã ba Ðồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ cho hàng triệu người con Việt Nam và bè bạn quốc tế tìm về tri ân và ôn lại một thời hào hùng, máu lửa. Một ngã ba Anh hùng đã ghi dấu chiến công của bao anh hùng, liệt sĩ và hôm nay đang vươn mình đổi thay, giàu đẹp.

Hành hương về địa chỉ đỏ

Nhắc tới “Ngã ba Ðồng Lộc” ai cũng bồi hồi xúc động và tự hào. Bao nhiêu người đã ngã xuống và những nhân chứng lịch sử vẫn còn đây. Còn đây Anh hùng La Thị Tám, người đứng trên đỉnh núi Mòi “đếm từng loạt bom rơi”. Còn đây dũng sĩ lái máy gạt Uông Xuân Lý. Còn đây những cựu thanh niên xung phong, những công nhân giao thông vận tải san lấp hố bom, vác đá vá đường. Những chiến sĩ pháo thủ, những lái xe “ngẩng đầu cao trong sáng tuyệt vời”. Với khát vọng đất nước độc lập, hòa bình, họ xem cái chết nhẹ như lông hồng.

Về với Ðồng Lộc, tất cả cùng ngước lên Tượng đài chiến thắng để soi lại mình, thức dậy những kỷ niệm còn tươi rói, nụ cười đồng đội, chân dung đồng đội. Những ngày này, khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi đôi mươi luôn có những vòng hoa trắng, những nén hương khấn nguyện. Bao nhiêu “cuộc chia ly màu đỏ” bây giờ trở lại Ðồng Lộc ai chẳng có một nỗi niềm riêng. Nhiều người vẫn nhắc tới Vương Ðình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn... Dòng người về Ðồng Lộc ngày mỗi dài thêm. Có những người đã một thời chiến trận khi trở về với miền ký ức, họ chỉnh trang lại quân phục cũ, gắn trên ngực huân, huy chương. Tuổi trẻ cũng trong trang phục mầu xanh, vành mũ tai bèo. Họ hát lại bài ca một thời đã hát, băng qua những ngọn đồi, con suối một thời đã qua.

Sáng nay, chúng tôi đặt chân tới Khu di tích Ngã ba Ðồng Lộc, đã gặp ngay trước cổng hai chiếc xe ô-tô một thời nhiều lần qua ngã ba này chở hàng ra mặt trận, toàn xe phủ kín lá ngụy trang. Kỷ vật thiêng liêng này do một đơn vị bộ đội đã dày công gìn giữ và gửi tặng. Người lái xe qua “cửa tử” Ngã ba Ðồng Lộc năm xưa nay tuổi đã ngoài bảy mươi. Ông quên sao được Ngã ba Ðồng Lộc, một con đường chiến lược vận tải quan trọng bậc nhất mà kẻ địch tìm mọi cách bao vây và chốt chặn. Ðể hòng làm tắc nghẽn huyết mạch này, không lực Hoa Kỳ đã dùng đủ mọi thứ bom, huy động hàng loạt máy bay tối tân nhất để biến Ðồng Lộc thành “túi đựng bom”. Người cựu chiến binh đưa bàn tay thô ráp choàng vai tôi nhắc tới sự khốc liệt trong chiến tranh, ông bảo: “Chú tính thử xem bình quân mỗi tháng chúng ném bom tới 28 ngày, có ngày phản lực Mỹ nhào tới 103 lần và thả 800 quả bom thì đá cũng bị xay thành bột chứ nói chi khoai, lúa ở trên đồng. Chỉ riêng trong bảy tháng năm 1968, chúng đã ném xuống Ðồng Lộc gần 50 nghìn quả bom”. Vinh quang nào trong chiến trận mà không phải đánh đổi bằng xương máu. Trung đoàn 210 pháo cao xạ liên tục 148 ngày đêm bám trụ ở Ngã ba Ðồng Lộc, quần nhau với lũ giặc trời.

Chiến tranh đã qua, những khẩu pháo của các anh giờ nằm trong nhà bảo tàng, nhưng đồng đội và người dân cả nước mãi ghi ơn 122 người con anh dũng ngã xuống cho mảnh đất này bình yên.

Ðồng Lộc xanh lên từ đất lửa

Về địa chỉ Anh hùng xã Ðồng Lộc, ai ai cũng thấy lòng mình như dịu lại khi nhìn ngọn đồi thoai thoải đã phủ kín mầu xanh của cây trái. Những dòng nước ngọt theo mương về ruộng, bỏ lại đằng sau lũy tre làng một quá khứ đói nghèo, bỏ lại đằng sau bóng dáng những người dân với đôi mắt lo âu khi gió phơn tây nam hầm hập quạt lửa. Ðôi mắt trũng sâu với trăm điều lo toan chống chọi với thiên tai. Thế là sau năm khởi đầu của thế kỷ 21, xã Ðồng Lộc đã vững vàng thế mới trong một tư duy sáng tạo, một niềm tin mãnh liệt vào chính sách, đường lối đổi mới của Ðảng.

Con đường bùn lầy nước đọng lỗ chỗ dấu chân trâu ngày xưa từ các lối xóm, nay đã được trải thảm nhựa. Ðồng Lộc đã có một cuộc “cách mạng” về giao thông nông thôn và thủy lợi. Tôi hỏi đồng chí Chủ tịch UBND xã Võ Ðức Lợi: “Khôi phục lại sau chiến tranh, đi lên từ hai bàn tay trắng, chắc dân vất vả lắm, phải không anh?”. Anh Lợi nói: “Tháng 4-1975, sau khi nước nhà thống nhất, những người dân xã tôi mới từ vùng quê sơ tán trở về sinh sống. Ðây là thời kỳ mọi người đều chung nỗi khổ như nhau. Tiền không, nhà cửa không, trâu bò không. Các gia đình dựng lều tranh ở tạm, trong lúc này cả nước thiếu lương thực nghiêm trọng. Chi viện cho Ðồng Lộc không đủ, nhiều người phải lầm lũi vào rừng tìm củ mài. Lúc nớ có được sắn, khoai, môn ăn trừ bữa cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Ðau thương và mất mát nhiều thật, nhưng lòng nhân nghĩa, tình làng xóm thì giàu lên gấp bội. Vì lẽ đó mà họ gồng mình trước những thử thách mới”.

Từ năm 1976 đến 1979, xã Ðồng Lộc mở đầu “mũi đột phá” quy hoạch lại đất đai, thôn xóm, cải tạo đồng ruộng. Việc “phẫu thuật” và “chỉnh hình” cho đất, người dân phải đổ mồ hôi tới ba năm ròng rã. Xe húc, xe ủi và đội công binh lại tiếp tục thăm dò, phá dọn bom, mìn còn âm ỉ trong lòng đất. Cuộc tiến công vào “xóa đói, giảm nghèo” mọi người hăm hở xắn cao tay áo: Ðất chua mặn tìm cách tẩy trừ chua mặn. Ðất bạc màu thiếu nước cấy lúa phải tìm ra nước. Chính những lúc cam go này, lãnh đạo huyện Can Lộc đã có quyết định đúng đắn, dồn sức xây dựng công trình thủy lợi Cửa Thờ - Trại Tiểu với trữ lượng 19 triệu m3, đủ cung cấp nước tưới cho hơn 190 ha lúa ở xã Ðồng Lộc và hàng trăm ha lúa của bốn xã vùng phụ cận. Năm 1997, xã Ðồng Lộc là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Can Lộc từ sản xuất hai vụ lúa chuyển sang ba vụ lúa. Xóa đi những tầm nhìn hạn hẹp trong làm ăn manh mún. Người nông dân Ðồng Lộc đã có những cung cách làm ăn mới trên thửa ruộng khoán của mình. Mạnh dạn thay đổi ngay những bộ giống lúa năng suất thấp, bằng những giống mới có năng suất cao. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư thâm canh. Không ai có thể ngờ rằng vùng đất đồng khô cỏ cháy, hậu quả nặng nề chiến tranh ở xã Ðồng Lộc đã đạt bình quân 55 tạ/ha. Không chỉ có lúa từ núi đồi, nương bãi, ở đâu đất cũng được bàn tay siêng năng, cần mẫn đánh thức dậy. Nhà trồng thêm ngô, người trồng thêm lạc. Mùa gặt thóc dát đầy sân phơi, ngô, lạc, đậu, vừng... ăm ắp chum vại.

Có được nguồn lương thực ổn định, nhiều gia đình không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn tự tìm cho mình một con đường làm giàu chính đáng bằng chăn nuôi, bằng kinh tế trang trại, bằng mở rộng dịch vụ kinh doanh tổng hợp. Tôi gặp anh Nguyễn Ðình Ái (xóm 4, Ðồng Lộc) một người mạnh dạn làm ăn kinh doanh ba ha keo và bạch đàn, cùng với chăn nuôi hàng trăm con lợn, gà, hàng chục con bò, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Văn Ðức (xóm Thương Liên), tận dụng hình khe thế núi để thiết lập trang trại trồng 10 ha keo tai tượng và chăn nuôi tổng hợp, thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng.

45 năm đã qua, mọi đau thương đã lùi vào quá khứ. Chính quyền và người dân Ðồng Lộc hôm nay đang chung sức, chung lòng dựng xây quê hương ngày một ấm no, giàu đẹp trên chính mảnh đất ghi dấu chiến công anh hùng năm xưa.

PHAN THẾ CẢI