Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là ở cấp lãnh đạo, chỉ huy là một trong những yếu tố quan trọng. Chính sự nêu gương của người đứng đầu đã thúc đẩy người dân chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Văn Miếu (Ðống Ða). Ảnh: MINH HÀ
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Văn Miếu (Ðống Ða). Ảnh: MINH HÀ

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, với những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, cùng sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã hành động kịp thời từ Trung ương đến địa phương với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, đề cao vai trò của người đứng đầu.

Tại Hà Nội, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc tích cực, quyết liệt, với tinh thần xả thân, dũng cảm. Trước mỗi diễn biến của dịch, lên phương án chuẩn bị kịch bản và chỉ đạo sát sao tới cơ sở, không quản ngại cùng cán bộ cơ sở thị sát những nơi có ổ dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, trực tiếp động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các lực lượng công an, y tế, lực lượng dân quân, bảo vệ các khu dân cư, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng… không quản vất vả, ngày đêm khi nghe ở khu vực nào có trường hợp F, theo sự phân công lập tức lên đường làm nhiệm vụ tuyên truyền, phong tỏa, cách ly, truy vết.

Tại các phường, khu phố, những cán bộ cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kêu gọi người dân không tụ tập, hội họp đông người và đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm Thông điệp “5K”. Hơn 3.000 chốt cấp huyện, cấp xã đến tận thôn, xóm; các vùng xanh đã thật sự trở thành “pháo đài chống dịch” với nòng cốt chính là những người cán bộ, đảng viên ở từng khu dân cư, tổ dân phố... Nhưng trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, không ai đứng ngoài với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vẫn còn  ở một số địa phương cấp ủy, cán bộ nhất là người đứng đầu chưa quán triệt tinh thần này, còn lơ là chủ quan thiếu nêu gương trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Cụ thể, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, chỉ trong 5 ngày Vĩnh Phúc đã tạm đình chỉ công tác 7 cán bộ trong đó có Phó Giám đốc Sở Y tế do lơ là, chậm trễ trong công tác chống dịch. Tại Hà Nam, đã đình chỉ công tác đối với Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ðạo Lý và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân do có thiếu sót trong quản lý, điều hành, dẫn đến làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. Mới đây nhất, tại tỉnh Bình Ðịnh, trong khi dịch bệnh đang căng thẳng, lãnh đạo sở, ngành của Bình Ðịnh đi đánh golf. Sự việc diễn ra trong thời gian Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Ðịnh, UBND thành phố Quy Nhơn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và TP Quy Nhơn, nhất là Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Ðịnh xác định, vi phạm nêu trên là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi sinh hoạt, công tác… Tại Hà Nội, chiều 12/9, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng, Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm đã họp khẩn với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND 10 phường trên địa bàn để quán triệt việc tổ chức tiêm vắc-xin và rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự việc chen lấn, tập trung đông người tại điểm tiêm vắc-xin Trường tiểu học Trung Văn (phường Trung Văn). Tại cuộc họp, Thường trực Quận ủy đã yêu cầu Bí thư và Chủ tịch UBND phường Trung Văn nghiêm túc rút kinh nghiệm. UBND phường Trung Văn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong quá trình thông báo đến người dân, dẫn đến việc tập trung đông người vào thời điểm tối 11/9.

Ðây chỉ là một trong số các trường hợp cán bộ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch đã bị các địa phương xử lý. Vi phạm của những cán bộ này xảy ra trong thời điểm các địa phương đang quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khiến dư luận bức xúc, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch. Liên quan đến các vụ việc này, phần lớn người dân đều bày tỏ thái độ bất bình đối với những việc làm thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhỏ “công bộc của dân”.

Ðại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội đang căng sức, gồng mình chống dịch, mỗi cán bộ phải lấy trách nhiệm làm đầu, lấy nêu gương làm trọng, lấy cống hiến làm phương châm hành động, lấy nhân dân làm mục tiêu phụng sự. Do đó, cá nhân nào làm sai, cản trở hiệu quả chống dịch thì phải bị xử lý, dù ở bất kỳ cương vị nào. Ðây cũng chính là cơ sở để củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và nhân lên sức mạnh để chiến thắng đại dịch Covid-19.