TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại 69 trạm kiểm dịch Covid-19

NDO -

Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, từ 0 giờ ngày 15-5, các trạm kiểm dịch đã đi vào hoạt động với tinh thần chống dịch cao nhất. Phóng viên Nhân Dân điện tử ghi nhận thực tế tình hình tại một số trạm. 

Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh kéo điện về các trạm kiểm dịch để phục vụ công tác kiểm soát dịch.
Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh kéo điện về các trạm kiểm dịch để phục vụ công tác kiểm soát dịch.

Trong đợt lập trạm này, thành phố có 69 trạm, trong đó có 12 trạm chính và 57 trạm phụ để thực hiện công tác kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố, bến tàu, bến xe, nhà ga, nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào thành phố.

Tại đây, các cán bộ chức năng sẽ khai thác thông tin của người dân di chuyển vào thành phố liên quan đến hành trình di chuyển, tình trạng sức khỏe,… Nếu không phát hiện dấu hiệu bất thường, nhân viên y tế cảm ơn và mời người dân tiếp tục di chuyển.

Từ trước đó vài ngày, lực lượng công an và đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện đã thực hiện việc “cắm” chốt tại các trạm thông qua việc dựng lều, thùng container,… được trang bị các thiết bị, đồ dùng thiết yếu để phục vụ công tác kiểm soát dịch 24/24 giờ.

Tại trạm kiểm dịch Sóng Thần (giáp ranh TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương), anh Trần Văn Đang, lái xe tải chở hàng cho biết: “Tôi rất sẵn sàng hợp tác dù có khi trong ngày phải dừng xe tại trạm nhiều lần để khai báo thông tin. Tôi mong mỗi người dân đều nêu cao ý thức phòng, ngừa dịch bệnh để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch nguy hiểm này”.

TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại 69 trạm kiểm dịch Covid-19 -0
Các đơn vị chức năng kiểm tra người dân tại trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1K. 

Tương tự, tại trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1K, các lực lượng chức năng cũng ứng trực thường xuyên để kiểm soát dòng người đi vào thành phố.

Theo UBND thành phố, để nâng cao công tác phòng dịch, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thành lập các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.

Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện kiểm soát ở 57 chốt, trạm phụ, các chốt trạm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Thời gian hoạt động của các chốt trạm 24/24 giờ cho đến khi có thông báo mới.

Triển khai chỉ đạo của UBND thành phố, trong ngày 14-5, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng khẩn trương tổ chức các nhóm công tác, triển khai kéo dây cấp điện, lắp đặt các thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng, bảo đảm nguồn điện cho các trạm, chốt kiểm dịch tại các tuyến cửa ngõ của thành phố.

Theo đó, trong sáng 14-5, hai chốt tại chân cầu Phú Cường, Tỉnh lộ 8, giáp với Bình Dương, và chốt trên Quốc lộ 22, ranh giới Tây Ninh đã được ngành điện thành phố lắp đặt xong.

Tương tự, trong tối 14-5, Công ty điện lực Thủ Đức đã hoàn thành việc cấp điện cho bốn chốt trên địa bàn quận Thủ Đức (cũ), giáp ranh với tỉnh Bình Dương, gồm chốt cầu Vĩnh Bình (Quốc lộ 13), chốt cầu vượt Sóng Thần (Quốc lộ 1A), chốt tại Quốc lộ 1K (phường Linh Xuân) và chốt Quốc lộ 1A trước Đại học An ninh.

Tính đến 0 giờ ngày 15-5, 69 trạm kiểm dịch đã được cấp điện đủ để phục vụ công tác kiểm dịch.

Triển khai công tác này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để xảy ra các sai phạm về công tác phòng, chống dịch thì kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh; trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

UBND Thành phố đề nghị từng người dân phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng; chủ động khai báo y tế điện tử; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.

Hiện nay, ngành y tế thành phố cũng đã hình thành các tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm năng lực lấy 50 nghìn mẫu đơn mỗi ngày. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn thành phố lên hơn 10 nghìn giường.

Có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống có 30 nghìn ca bệnh.

Trước đó, trong đợt dịch lần thứ 2 (tháng 4-2020), thành phố cũng đã thành lập 62 chốt kiểm dịch (16 chốt chính, 46 chốt phụ) trên địa bàn thành phố và ở các vị trí giáp các tỉnh, thành lân cận.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan