Tiền Giang từng bước mở rộng thêm “vùng xanh”

NDO -

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ở Tiền Giang diễn biến khá phức tạp, nhưng có một số địa phương của tỉnh vẫn an toàn và đang kiên quyết không cho ca nhiễm xâm nhập vào địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang quyết liệt chỉ đạo bằng nhiều cách phải giữ cho được những vùng chưa có dịch, từng bước mở rộng “vùng xanh” cho tỉnh.

Người dân và lực lượng chức năng bảo vệ chốt “vùng xanh” tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Người dân và lực lượng chức năng bảo vệ chốt “vùng xanh” tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Hiện nay, đến các chốt kiểm soát bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành của tỉnh Tiền Giang, từ cán bộ đến người dân tham gia bảo vệ chốt đều thuộc lòng phương án vận hành “vùng xanh”.

Xã Cẩm Sơn là 1 trong 2 xã thuộc “vùng xanh” của huyện Cai Lậy. Hằng ngày, hơn 10 nông dân tham gia cùng lực lượng chức năng bám trụ các chốt kiểm soát, bảo vệ “vùng xanh”.

Ông Nguyễn Văn Luyến, nông dân ở ấp 1 tình nguyện tham gia bảo vệ chốt từ ngày 12/8 đến nay. Khi thấy người dân thắc mắc về một số việc chưa rõ khi ra, vào xã, ông Luyến giải thích rất rành mạch. Đối với người ngoài tỉnh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện muốn vào “vùng xanh” phải thực hiện cách ly tập trung bên ngoài 14 ngày, thực hiện các xét nghiệm theo quy định. Đồng thời, tiếp tục cách ly tại nhà (nơi cư trú) trong khu vực “vùng xanh” thêm 7 ngày nữa.

Tiền Giang mở rộng “vùng xanh” -0
 Lãnh đạo UBND xã Tân Hương, huyện Châu Thành (Tiền Giang) kiểm tra, chỉ đạo người dân, lực lượng chức năng bảo vệ chốt kiểm soát “vùng xanh”.

Đối với người dân trong tỉnh muốn thực hiện giao dịch (mua bán, trao đổi hàng hóa) thì thực hiện tại chốt, nếu vào cư trú lại phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính còn trong thời gian quy định và có giấy giới thiệu, xác nhận của địa phương nơi ở trước đó, hoặc nơi làm việc.

Đối với công nhân trong tỉnh về cư trú lại tại “vùng xanh”, nếu có kết quả PCR âm tính, có xác định của hệ thống y tế công lập thì được vào cách ly tại nhà 14 ngày, nếu không có thì thực hiện cách ly tập trung như người ngoài tỉnh về. Riêng người dân trong “vùng xanh” được di chuyển và giao dịch mua bán tự do trong khu vực “vùng xanh”, nhưng phải thực hiện 5K…

Trong đợt dịch này, huyện Cai Lậy ghi nhận ca F0 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 16/6; đến nay, toàn huyện ghi nhận tổng cộng 46 ca F0. Trong đó, có 25 ca được điều trị khỏi; 1 ca tử vong và 20 ca đang cách ly điều trị. Huyện cũng đã qua 25 ngày không phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho hay, ngay khi phát sinh ca F0 đầu tiên ở giáp ranh huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy đã chủ động phân tích, theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là với các xã giáp ranh.

Khi ổ dịch đầu tiên phát sinh trên địa bàn, huyện tiến hành khoanh vùng thần tốc, tầm soát, xác định chính xác nguồn gốc dịch bệnh để truy vết, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Ngoài việc áp dụng các chỉ đạo từ tỉnh, huyện Cai Lậy xây dựng riêng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình và điều kiện địa phương.

Huyện đã phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh toàn dân để trở thành hậu phương vững chắc hỗ trợ hết mình cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Kêu gọi người dân tự giác tham gia các chốt bảo vệ “vùng xanh”, hướng đến việc mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” trong phòng, chống dịch.

Tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch để thu hẹp “vùng vàng” và “vùng đỏ”. Xây dựng bản đồ vùng để theo dõi, đánh giá, cập nhật vùng bình thường mới và có phương án bảo vệ, mở rộng “vùng xanh” phù hợp. Thực hiện tiêm vaccine diện rộng thần tốc theo phương pháp “cuốn chiếu”, khu vực nào “dứt điểm” khu vực đó…

Còn huyện Châu Thành (Tiền Giang) có 4 xã thuộc “vùng xanh”, trong đó, 3 xã chưa phát sinh dịch bệnh; 1 xã chỉ có 1 ca F0 nhưng đã qua hơn 1 tháng không phát sinh ca mới. Châu Thành đang nỗ lực thiết lập, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”, chuyển các vùng khác thành “vùng xanh” mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Phục Quang cho biết, địa phương đã thành lập các tổ, chốt bảo vệ “vùng xanh” với sự tham gia của các Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng dân quân tự vệ, tình nguyện viên và người dân. Bảo đảm các hàng hóa thiết yếu được tiếp nhận ngay tại các chốt bảo vệ và phân phối kịp thời cho người dân.

Tiền Giang mở rộng “vùng xanh” -0
 Chốt kiểm soát “vùng xanh” thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Đối với các địa phương còn có các khu vực “vùng đỏ”, “vùng cam”, huyện Châu Thành tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng; xét nghiệm tầm soát các đối tượng không để dịch lây lan sang “vùng xanh” trên địa bàn, tiến tới xanh hóa các khu vực phong tỏa, hình thành các “vùng xanh” mới.

Huyện đã chỉ đạo thành lập 163 chốt, trong đó có 4 chốt huyện và 159 chốt xã; 33 tổ kiểm soát lưu động, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào huyện…

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, Tiền Giang đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất nhằm khống chế dịch bệnh Covid-19, phấn đấu đến ngày 25/8, kiểm soát được được tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang thực hiện chiến lược khoanh vùng từng khu vực nhỏ, bảo vệ tuyệt đối “vùng xanh” và lấn dần sang vùng cam, vàng, đỏ. Mục tiêu quan trọng là “xanh đến đâu phải giữ đến đó”.

Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải xác định rõ “vùng xanh” ở từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các xã, phường, thị trấn cũng xác định “vùng xanh”, vùng an toàn cho mình. Các địa phương phải cấp tốc xây dựng kế hoạch thật cụ thể và phải bảo vệ thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, chuyển “vùng cam” thành “vùng vàng”; khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.

Tỉnh Tiền Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/8, chuyển 3 đơn vị cấp huyện là TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Châu Thành và 31 đơn vị cấp xã từ “vùng đỏ” thành các vùng có nguy cơ thấp hơn; chuyển 50% đơn vị cấp huyện, cấp xã từ “vùng cam” sang “vùng vàng” hoặc “vùng xanh”; chuyển 100 đơn vị từ “vùng vàng” thành “vùng xanh”; giữ vững 2 đơn vị cấp huyện là Cai Lậy, Tân Phú Đông và 52 đơn vị cấp xã là “vùng xanh” của tỉnh.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam