Tích cực kết nối cung cầu - lao động trong dịch Covid-19

Thị trường lao động nước ta đã ghi nhận những biến động khó lường do dịch Covid-19 trong thời gian gần đây. Việc nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối cung - cầu lao động tại các địa phương là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Người lao động làm việc tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Tư Trung).
Người lao động làm việc tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Tư Trung).

Chú trọng thông tin thị trường lao động

Ngày 21/10, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, người lao động và đề xuất giải pháp thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động.

Chương trình diễn ra theo hình thức trực tuyến với 63 sở lao động - thương binh và xã hội và trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước.

Tích cực kết nối cung cầu - lao động trong dịch Covid-19 -0
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn dự chương trình theo hình thức trực tuyến.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực đến thị trường lao động nước ta. Một số hệ lụy có thể kể đến như: Nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực khi tăng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, con số lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 lớn, tăng lên theo từng quý trong năm 2021. Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp làm tăng cao. Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ - nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch trong thời gian gần đây.

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất.

Trước những biến động trên, ngành lao động - thương binh và xã hội, đặc biệt là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của sở lao động - thương binh và xã hội, cần chủ động làm việc, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân.

Trong đó, chú trọng tổ chức nắm thông tin, điều tiết cung, cầu lao động. Cụ thể, với người lao động trên địa bàn, tổ chức nắm các thông tin cơ bản như: số lao động đang thất nghiệp, lý do và thời gian thất nghiệp, nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn,… Ưu tiên nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6 năm 2021 trở lại đây.

Với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động. Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên. Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng dẫn và cùng các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thu thập, cập nhật thông tin.

Cũng cần chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động. Tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc. Ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cơ quan chức năng cần đề xuất chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bám sát yêu cầu từ thực tế

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, nhấn mạnh, lãnh đạo các sở lao động - thương binh và xã hội trên toàn quốc cần trực tiếp chỉ đạo, quan tâm tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng liên quan đến lao động - việc làm với các trung tâm dịch vụ việc làm để thu thập thông tin thị trường lao động. Qua đó, hướng tới xây dựng mỗi trung tâm dịch vụ việc làm địa phương trở thành trạm quan trắc thông tin thị trường, bám sát doanh nghiệp, thị trường và phục vụ cho công tác chuyên môn của các cơ quan này và UBND tỉnh. Đồng thời, phục vụ cho hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc.

Đặc biệt, cần chú trọng kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm cần phối hợp các địa phương để nắm bắt nguồn cung lao động. Thí dụ như những địa bàn lớn như Nghệ An, Thanh Hóa, các địa phương phía bắc, cũng như các tỉnh miền tây - nơi có nhu cầu lao động lớn. Cần xác định được bài toán cung - cầu lao động cho từng địa phương, để hướng tới nhu cầu kết nối toàn quốc.

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch việc làm đẩy mạnh hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động một cách cụ thể. Song song với tiếp cận thông tin từ các khu công nghiệp, khu kinh tế, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần tìm hiểu thông tin của lực lượng lao động phi chính thức - nhóm đối tượng cần quan tâm trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Sắp tới, chương trình phục hồi kinh tế dự kiến sẽ được ban hành. Trong đó, có hoạt động phục hồi thị trường lao động. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào một số nội dung sát với những vấn đề đã được nhiều địa phương kiến nghị trong chương trình.

Lao động và việc làm