Thương lắm ngoại tôi

NDO -

Những ngày mà xã hội dành để tôn vinh người phụ nữ như Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi lại luôn nhớ đến ngoại tôi với niềm tự hào về một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thanh (1906-1997) trong tác phẩm "Nhớ các con" của Duy Anh.
Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Thanh (1906-1997) trong tác phẩm "Nhớ các con" của Duy Anh.

Mỹ An Hưng - Đất Sét là một phần đời của tôi, chính xác là của tuổi thơ tôi. Ở đó có hình bóng ngoại, một bà cụ dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, nét mặt đôn hậu, vui vẻ, miệng luôn bõm bẽm nhai trầu và rất thích chơi tứ sắc với mấy đứa cháu.

Đất Sét là quê nội tôi, là nơi chôn nhau cắt rốn của chị em tôi và tuổi thơ hồn nhiên của tôi thắm đậm kỷ niệm về Đất Sét. Những năm tháng còn ở Đất Sét, thỉnh thoảng chúng tôi vui sướng được bà ngoại lặn lội từ Tân Hiệp về thăm (sau này tôi mới hiểu những chuyến đi về Đất Sét của ngoại tôi không chỉ đơn thuần là thăm cháu). Những câu chuyện cổ tích từ ngoại, những lúc cùng ngoại chơi tứ sắc, hay mó máy cơi trầu của ngoại... mãi mãi là những kỷ niệm đẹp mà năm tháng qua đi vẫn không thể xóa nhòa.

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, tuổi thơ hồn nhiên của ngoại qua mau bởi cuộc hôn nhân đến sớm với ông ngoại. 16 tuổi lấy chồng. Rồi lần lượt sinh đẻ 15 lần trong 20 năm. Năm ông ngoại bị Tây xử bắn thì bà ngoại mới 36 tuổi.

Ông ngoại tôi tham gia hoạt động cách mạng. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, bọn Tây ruồng bố dữ, cả nhà cứ phải chuyển cư. Năm 1947, ông ngoại bị giặc bắt rồi bị chúng mang ra cầu Mỹ Tịnh An bắn chết cùng 12 đồng chí. Cái chết của ông ngoại tôi cùng các chí sĩ yêu nước đã làm rúng động lòng người, làm sục sôi dòng sông Bảo Định. Xác những người cách mạng trôi theo dòng nước. Bọn giặc tàn nhẫn không cho gia đình vớt lên. Những người dân làng bên đã đón ở hạ nguồn, chờ tối trời vớt lên khâm liệm. Nhìn thi thể người thân qua ánh đèn dầu leo lét giữa đêm, ngoài những vết đạn xuyên ngực, còn có cả những vết cào xướt của ô rô, vết rỉa của mấy con cá..., bà ngoại dồn cả một góc khăn vào miệng cắn chặt để nén tiếng khóc. Từ lúc đó, bà ngoại đã trở thành người khác! 

Người phụ nữ nhỏ bé còn lại một mình với một đàn con nheo nhóc, vừa phải chèo chống, bươn chải lo cho con nhỏ, vừa tiếp nối sự nghiệp của chồng. Cậu Hai trước đó đã noi bước chân cha thoát ly theo cách mạng. Cậu Hai vào du kích, tham gia thành lập lực lượng quân đội địa phương, nổi tiếng là người giỏi văn, giỏi võ với nhiều chiến tích đánh Tây mà cả vùng Hiệp - Lý ai cũng biết (bây giờ ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có một con đường nhỏ được đặt tên Ngô Văn Hai). Năm 1952, cậu Hai đã là Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó Liên Trung đoàn 105 - 120. Cậu hy sinh trong một cuộc giải thoát cho đồng đội khỏi vòng vây của địch, khi ấy cậu mới 27 tuổi, để lại một người phụ nữ chưa hôn ước ở vậy thương nhớ cậu trọn đời, bà ngoại thêm một lần đau đớn!

Tiếp nối ông ngoại và cậu Hai, những người con của ngoại, từ má tôi (thứ ba) đến cậu Mười bốn lần lượt tham gia hoạt động cách mạng. Người vào các đơn vị đoàn thể, người đi bộ đội, du kích... Năm 1947, má tôi đã là Đoàn Trưởng Phụ nữ huyện (tương đương Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện bây giờ). Má Năm, Má Sáu (em ruột của má tôi) cũng tham gia vào các đoàn thể địa phương. Năm 1954, cậu Tám được lệnh đi tập kết và được tổ chức cho đi học, nhờ vậy sau ngày đất nước thống nhất, cậu trở về gặp ngoại với quân phục sĩ quan Hải quân cấp tá. Một cuộc trùng phùng đầy nước mắt.

Trong khi đó, cậu Bảy, cậu Chín, cậu Mười Bốn ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu và ngã xuống trên quê hương với tuổi thanh xuân còn mãi, chưa người nào kịp cưới vợ sinh con... Ngoại tôi, "năm lần tiễn con đi, bốn lần khóc thầm lặng lẽ"..."

Những năm 60, 70 (thế kỷ 20), cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Tôi lúc này tuy còn nhỏ nhưng cũng đã sống cùng không khí chiến tranh, đã tận mắt thấy trực thăng, đầm già quần đảo, xả bom đạn xuống làng quê mình; đã từng phải chui vào chui ra cái cảng-xê tránh đạn; từng nửa đêm giật thót vì tiếng mỏ, tiếng súng, những tia lửa đạn bay ngang qua đầu mình; từng nhìn thấy những xác người nằm phơi bên bờ sông sau mỗi trận càn của giặc....

Bà Ngoại tôi lúc này đã có tuổi nhưng vẫn thường đi đi về về các tỉnh Long Xuyên – Sa Đéc  – Kiến Tường – Định Tường. Tiếng là đi thăm con cháu (chúng tôi vẫn nghĩ như vậy), nhưng thực sự là đi làm nhiệm vụ của một giao liên trong đường dây 6 tỉnh Nam Bộ do ông Phạm Hữu Lầu phụ trách. Một trong những lần đi về ấy, bà ngoại tôi bị địch bắt; bọn chúng đánh bà bể hộp sọ, gãy xương tay, mù một mắt nhưng vẫn không tìm thấy chứng cớ và cũng không khai thác được gì, chúng buộc phải thả bà về và đặt bà trong vòng kiểm soát chặt chẽ.

30/4/1975, cuộc kháng chiến kết thúc, đất nước thống nhất, nhà nhà vui mừng đoàn tụ. Bà ngoại tôi lúc này đã hơn 60 tuổi, di chứng từ những cuộc khảo tra của giặc đã khiến bà lưng còng, chân yếu, đôi mắt mờ chỉ còn lại một con. Ngoại sống trong căn nhà lá đơn sơ, trống trải với đứa cháu gái nhỏ. Không nói ra, nhưng ánh mắt ngoại ngày ngày nhìn ra cửa mong ngóng. Đêm đêm sau khi thắp hương trên bàn thờ ngồi nhìn di ảnh của ông ngoại và các cậu, khóe mắt bà rưng rưng…

Một buổi trưa hè, cậu Tám về. Cả xóm Trầu xôn xao vì sự trở về của cậu. Một sĩ quan bộ đội cấp tá cùng với vợ và 2 con gái nhỏ. Bà ngoại run run... Không kể xiết nỗi vui mừng của ngoại. Không một tiếng kêu. Không một lời nào. Chỉ có sự vỡ òa của cảm xúc. Gần 30 năm, kể từ khi ông ngoại bị Tây bắn. Hơn 20 năm khi cậu Tám ra đi. Chiến tranh, đau thương, mất mát! Chồng và 4 người con trai ngã xuống, có người còn chưa biết xương cốt nằm đâu. Cậu Tám về! Bà ngoại như người đang chới với giữa dòng gặp được chiếc phao, ánh sáng bừng lên trong con mắt mờ còn lại...

Những năm tháng tiếp theo là những cuộc kiếm tìm trong đau xót với mong muốn được một lần nhìn thấy xương cốt của người thân và đưa về nơi chôn nhau cắt rốn. Má tôi và những người thân đã lần theo từng dấu chân của các đơn vị chiến đấu để tìm các cậu. Khó nhất là đi tìm cậu Bảy, một Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 307 anh hùng. Má tôi phải nhiều lần lặn lội khắp vùng Long - Châu - Sa, cuối cùng mới "gặp" được cậu ở Cà Mau, nơi tiểu đoàn đã chiến đấu và cậu hy sinh ở đó. Giờ đây, trong Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, ông ngoại, cậu Hai, cậu Bảy, cậu Chín, cậu Mười Bốn đã tề tựu ở đó; cùng quây quần chung quanh còn có ba tôi, người chồng và con trai đầu của dì ruột tôi.

Cậu Tám về rồi cậu Tám lại đi vì nhiệm vụ còn đó. Bà ngoại vẫn sống trong căn nhà lá đơn sơ của mình, được nhà nước cấp chút tiền tu sửa lại, cạnh bên nhà của má tôi. Bà ngoại được hưởng chế độ thương binh nặng cùng với chế độ gia đình liệt sĩ, được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ngay đợt đầu tiên.

Lúc này ngoại tôi đã yếu lắm rồi, bà không đủ sức để ra Hà Nội nhận danh hiệu theo thư mời của Nhà nước. Tháng 2/1996, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Mỹ Hoa đã về Tiền Giang đến tận nhà thăm, tặng quà nhân dịp 8/3 cho bà. Hơn một tháng sau, bà mất! Mộ của bà được đặt ở nghĩa trang của tỉnh, nơi mà 8 năm sau, má tôi cũng về nằm cạnh.

Nhiếp ảnh gia Duy Anh từng là phóng viên của báo Ấp Bắc (Tiền Giang), báo Tuổi Trẻ, trong một khoảnh khắc tình cờ đã chụp được chân dung bà ngoại trong ngày giỗ của ông ngoại và các cậu liệt sĩ của gia đình tôi. Bức ảnh “ Nhớ các con” ra đời, khắc họa chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của ngoại sau đó đã được gửi đi dự thi và đoạt Huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1990.

Cuộc đời của bà ngoại tôi là một cuốn phim dài đầy ắp những sự kiện bi tráng, nó phản ánh một phần nhưng khá đầy đủ tính chất hào hùng cũng như sự hy sinh, mất mát qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Đồng thời cũng khắc họa được chân dung người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” như Bác Hồ đã ban tặng. Chúng tôi mãi nhớ và tự hào về ngoại, về truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, đất  nước!