Thương binh xông pha chống “giặc” Covid-19

NDO -

Khi cả nước đang bước vào những tháng ngày gian lao trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, rất nhiều thương, bệnh binh đã hăng hái, xông pha lên tuyến đầu chống dịch, lan tỏa hình ảnh đẹp của người lính giữa thời bình. 

Thương binh Dương Đình Cúc ( đứng giữa) cùng lực lượng liên ngành trực chốt khu vực phong tỏa.
Thương binh Dương Đình Cúc ( đứng giữa) cùng lực lượng liên ngành trực chốt khu vực phong tỏa.

Lính mà!

Bãi biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà được xác định là một trong những ổ dịch siêu lây nhiễm ở Hà Tĩnh. Qua điều tra dịch tễ, các cơ quan chuyên môn xác định rất nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến địa điểm này. Trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh Hà Tĩnh đã thiết lập vùng cách ly y tế toàn xã Thạch Kim và thị trấn Lộc Hà từ 12 giờ ngày 12/6, theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi lệnh phong tỏa được thực thi, huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng thiết lập các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào vùng cách ly, đồng thời khẩn trương truy vết, khoanh vùng dịch bệnh.

Tổ dân phố (TDP) Phú Xuân, thị trấn Lộc Hà có gần 300 hộ dân sinh sống, làm việc thường xuyên gần ổ dịch nên công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân đặt ra hết sức bức thiết. “Tại thời điểm đó, đồng chí Bí thư Chi bộ TDP phố đang thực hiện cách ly tại nhà do tiếp xúc với trường hợp F1, đồng chí Tổ trưởng TDP thì đang gặp sự cố về sức khỏe nên không có ai điều hành việc chung của TDP. Đứng trước nhiệm vụ cấp bách, thương binh Dương Đình Cúc đã tình nguyện đứng ra gánh vác việc chung, điều hành, xâu nối nhiệm vụ phòng, chống dịch của TDP”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Lộc Hà, Nguyễn Ngọc Quang kể.  

2_1-1626322448684.jpg
Hội viên Hội CCB Lộc Hà đảm nhiệm công tác tiếp nhận, phân phối lương thực cho các khu phong tỏa. 

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ông Dương Đình Cúc đã phân việc cụ thể cho từng thành viên Ban Công tác mặt trận TDP, tiến hành lập danh sách, thiết lập bản đồ dân cư - dịch tễ và lịch trình tiếp xúc với các trường hợp F0, F1 để các lực lượng chức năng phân loại, lấy gần 10.000 mẫu xét nghiệm, đồng thời huy động lực lượng lập các chốt kiểm soát người ra vào TDP.

Mặc dù tuổi đã cao lại mang trong mình di chứng của chiến tranh nhưng ông Cúc không quản ngại mưa gió, cùng với các lực lượng chức năng bám chốt thâu đêm. Mưa lớn tầm tã kèm theo gió lớn khiến lán trại ở chốt trực bị dột ướt, thấm ướt, các thành viên bám chốt ngõ ý muốn mời ông về nghỉ nhưng kiên quyết ở lại hoàn thành ca trực. Khi có người thay ca trực chốt, ông Cúc lại rốt ráo vận động, kêu gọi bà con trong TDP quyên góp tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ các gia đình khó khăn. Qua ít ngày vận động, bà con TDP Phú Xuân đã quyên góp được hơn 13 triệu đồng, kịp thời tiếp sức cho các gia đình gặp khó và lực lượng tuyến đầu chung tay chống dịch hữu hiệu.

Ông Dương Đình Cúc tâm sự: Ban đầu, khi biết tôi đứng ra thay thế vị trí điều hành của TDP không ít người tỏ ra ái ngại bởi sự “liều lĩnh” của tôi, song khi thấy sự năng nổ, kết quả công việc chúng tôi làm, hầu hết người dân đều mến phục và ủng hộ. “Với người lính chúng tôi, khi ra trận bao giờ cũng sẵn sàng tư thế chiến đấu, hy sinh, “Người trước ngã, người sau tiếp bước”, trận tuyến luôn phải có người chỉ huy. Chúng tôi là đảng viên và cũng từng là lính chiến trường”. Thương binh Dương Đình Cúc khẳng định.  

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà, Văn Thành Đô, dù đảm nhiệm vai trò đứng đầu TDP trong hoàn cảnh “bất đắc dĩ” nhưng tinh thần xông pha, dấn thân của thương binh Dương Đình Cúc đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương điều hành công việc hiệu quả trong tình thế cấp bách và để lại nhiều tình cảm trìu mến, thôi thúc nhân dân đoàn kết, quyết tâm thắng “giặc” Covid-19. Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chủ tịch Hội CCB Lộc Hà cho biết, dù điều kiện sức khỏe, kinh tế của các hội viên CCB đang gặp khó khăn nhưng khi đất nước cần, sẵn chất lính trong huyết quản, anh em chúng tôi luôn xông pha tuyến đầu.

Nhường cơm, sẻ áo

Vào thời điểm giữa tháng 6/2021, nhận thấy cuộc chiến chống dịch Covid-19 đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là các lực lượng tuyến đầu đang chịu nhiều vất vả, cụ Nguyễn Chưởng (97 tuổi, thương binh chống Pháp) ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đã viết tâm thư và trích 10 triệu đồng trong số tiền dành dụm được để góp thêm nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Cụ Chưởng, những lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua như: Y tế, công an, quân đội... xứng đáng là những người anh hùng trong thời bình. Trong tâm thư gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Kỳ Anh, Cụ Chưởng chia sẻ: Tôi vô cùng xúc động trước cảnh nắng nóng gay gắt nhưng đội ngũ tuyến đầu vẫn căng mình chống dịch…

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều gia đình đã dành tiền tiết kiệm của mình để chia sẻ, hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch và cả những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhằm sớm đẩy lùi dịch Covid-19. Dù số tiền không nhiều nhưng tôi muốn chung tay, góp sức phòng, chống dịch Covid-19 với địa phương. Mong rằng Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19 để cuộc sống của người dân được trở lại ổn định.

3-1626322449198.jpg
Cụ Nguyễn Chưởng trao tiền ủng hộ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid 19 huyện Kỳ Anh.  

Tâm tình mộc mạc của cụ Nguyễn Chưởng cũng là tiếng lòng của nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước ở Hà Tĩnh. Còn nhớ, vào tháng 4/2020, cụ ông Phạm Đình Chín (77 tuổi) - thương binh 4/4, ở thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) đạp xe lên UBND xã  góp 1 tháng tiền phụ cấp thương binh của mình (1.196.000 đồng) và bức tâm thư động viên tinh thần các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an ở tuyến đầu chống dịch vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng vào dịp đó, hai vợ chồng thương binh Võ Hữu Khuyên (77 tuổi) và Lê Thị Vòng (74 tuổi) trú tại phường Nam Hà (TP. Hà Tĩnh) đã mua 1,5 tấn gạo Lài thơm trị giá 24 triệu đồng hỗ trợ 284 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và hộ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên). Cụ Lê Thị Nhị (98 tuổi, mẹ liệt sĩ Phan Văn Soa) trú thôn Bắc Hà, xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn - Hà Tĩnh) trao tặng 2 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã để làm quỹ phòng, chống dịch Covid-19…

Theo ông Trương Văn Nhỏ, Trưởng Ban phong trào (Hội CCB Hà Tĩnh), với tinh thần, trách nhiệm và uy tín của mình, thời gian qua các đồng chí hội viên Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy vai trò “đầu tàu” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, các hội viên Hội CCB trên địa bàn đã quyên góp 2,5 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân vùng cách ly y tế và tuyến đầu chống dịch. Từ công tác tuyên truyền đến việc tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm cho vùng phong tỏa, rồi làm nồng cốt của Tổ Covid cộng đồng… ở đâu các đồng chí cũng làm sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.  

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan