Thu thập dữ liệu và dự báo cung - cầu lao động: Cần nhiều hệ thống đa tầng

NDO -

Để nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động, cần hình thành nhiều hệ thống đa tầng để thu thập dữ liệu, đáp ứng nhu cầu dự báo cho các cấp khác nhau. Cũng nên hướng tới xã hội hóa thu thập, xử lý dữ liệu, hình thành nên những doanh nghiệp chuyên nghiệp, không chỉ dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu hay trường đại học.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” (sau đây gọi tắt là đề án).

Thu thập dữ liệu và dự báo cung - cầu lao động: Cần nhiều hệ thống đa tầng -0
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm.

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay, khi xây dựng đề án, nhóm soạn thảo thấy rằng, việc dự báo cung - cầu lao động rất khó khăn, phức tạp.

Cơ quan soạn thảo cũng xác định rõ quan điểm. Trước hết, dự báo cung - cầu lao động được dùng cho cơ quan quản lý để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một công việc rất cần thiết. Thứ  nữa, dự báo nhằm để hoạch định quy hoạch địa bàn về dài hạn và trung hạn.

Tuy nhiên, dự báo ngắn hạn cũng hết sức cần thiết, thậm chí là dự báo hằng tháng, nhất là trong những thời điểm khó khăn như dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay. Trong diễn biến của đại dịch, Cục Việc làm có báo cáo về kinh nghiệm quốc tế xử lý khủng hoảng do dịch Covid-19, phân tích chính sách của 115 nước, cập nhật thường xuyên từ tháng 3 cho đến tháng 9. Công tác này được làm hằng tháng, thậm chí có lúc làm hằng tuần, khi tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng.

Đây là chia sẻ của ông Bình tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Báo Nhân Dân tổ chức.

Thêm nữa, cũng cần phải có dự báo cho doanh nghiệp. Dự báo sẽ tập trung về xu thế dịch chuyển việc làm từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, trong một chuỗi giá trị, từ vị trí việc làm này lên vị trí việc làm cao hơn.

Theo ông Vũ Trọng Bình, cần hình thành nhiều hệ thống đa tầng để thu thập dữ liệu và dự báo cung - cầu lao động. Thí dụ, để dự báo cho Trung ương và cấp tỉnh, thành phố, ngành lao động, thương binh và xã hội đang xây dựng một hệ thống quan trắc thông tin ở 63 tỉnh, thành phố để nắm bắt nhanh tình hình. Với dự báo chiến lược dài hạn, phải có bộ dữ liệu lớn kết nối các dữ liệu khác nhau để phục vụ quá trình phân tích. Tránh tình trạng dữ liệu được thu thập một cách thủ công trong thời gian qua, rất khó khăn khi kết nối hạn chế giữa các bộ, ngành, còn rất nhiều vấn đề về thu thập, xử lý, kinh phí...

TS Vũ Trọng Bình cho rằng, việc thu thập xử lý dữ liệu cần hướng tới xã hội hóa, hình thành nên những doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp trong thu thập, xử lý dữ liệu, chứ không hẳn chỉ dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học. Để bảo đảm được việc này, cần sự ủng hộ của Quốc hội để hoàn thiện thể chế, chính sách về vấn đề này.

Bên cạnh đó, nếu làm tốt việc thu thập dữ liệu, xử lý để dự báo cung - cầu lao động, sẽ giúp giao dịch trên thị trường lao động được minh bạch hơn, chi phí giảm. Khẳng định tính liên thông, sự minh bạch đi đôi với chi phí giao dịch càng thấp, chứng tỏ tính hiệu quả của thị trường.

Trong thời gian, sẽ cố gắng thúc đẩy để liên kết 63 sàn giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) trên cả nước. Việc thúc đẩy liên kết các sàn giao dịch (GDVL) để chia sẻ dữ liệu hết sức quan trọng cho chính sức sống của các sàn này, giúp cho thị trường lao động phát triển và bảo đảm công tác hoạch định chính sách.

Kết nối hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm

Thu thập dữ liệu và dự báo cung - cầu lao động: Cần nhiều hệ thống đa tầng -0
Tìm việc qua sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.Ảnh: Thu Hằng.

Đến năm 2018, cả nước có 63 trung tâm DVVL trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố với 227 chi nhánh/điểm tiếp nhận thực hiện các DVVL và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ  người lao động (NLĐ) thất nghiệp tìm được việc làm qua các trung tâm DVVL vẫn chỉ ở mức trên dưới 30%.

TS Vũ Trọng Bình nhận định, các trung tâm DVVL không cần thiết phủ sóng mọi GDVL. Bởi vai trò của các cơ quan này mang tính chất điều phối, hỗ trợ, lôi kéo thị trường là chính. Nếu các trung tâm DVVL hiện nay giải quyết đến 50% tỷ lệ NLĐ thất nghiệp tìm được việc làm sẽ rất tốt. Nhưng nếu các trung tâm khác chỉ giải quyết được 10%, nhưng họ kết nối DN hiệu quả, điều phối thị trường tốt, sẽ khẳng định đúng đắn hơn vai trò của Nhà nước trong điều hành. Do đó, nên xây dựng thể chế, cơ chế vận hành để DN DVVL thực hiện. Mục tiêu đặt ra là làm thế nào để kết nối hiệu quả hệ thống DN DVVL.

Cùng với đó, thể chế, cơ chế DVVL phải thật sự kết nối được với DN. Trung tâm DVVL có thể mở rộng hoạt động ở lĩnh vực khác mà không theo đặt hàng của Nhà nước. Liệu chăng có thể đưa ra cơ chế như thu phí trong cung cấp dữ liệu cung - cầu lao động - điều mà hiện nay chưa có.

Lao động và việc làm