Tết nghĩa tình với đồng bào Tây Nguyên

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên thêm khó khăn chồng chất. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không để ai không có Tết”, các tỉnh Tây Nguyên đã chuẩn bị, xây dựng các phương án để bảo đảm đồng bào nơi đây đón một cái Tết đủ đầy, đầm ấm.

Đại diện Thành đoàn Đà Lạt và nhà tài trợ trao quà Tết tặng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng).
Đại diện Thành đoàn Đà Lạt và nhà tài trợ trao quà Tết tặng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng).

Bằng trách nhiệm và tình cảm, công tác chăm lo cuộc sống của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống. Khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực để bà con diện nghèo trên địa bàn đón Tết đầy ý nghĩa.

Chăm lo chu đáo cho đồng bào

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 17.000 người thuộc hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ; trong đó, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số có gần 13.000 hộ. Cùng với việc trích ngân sách địa phương, các ngành, đoàn thể còn vận động đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ để tặng quà cho người nghèo nhân dịp Tết. Đến ngày 17/1/2022, Đắk Nông đã vận động được gần 17.000 suất quà, trị giá gần 6,3 tỷ đồng để tặng các đối tượng trên địa bàn.

Tỉnh Đắk Lắk có 57.180 hộ nghèo, trong đó có 37.067 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và khoảng 138.000 lao động từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó nhiều người không có việc làm, mất thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Trong những ngày giáp Tết này, cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk về các địa phương thăm, trao quà tặng bà con vùng xa. Tham gia chuyến đi, chúng tôi mới cảm nhận hết cuộc sống khó khăn của bà con và niềm vui mừng khi nhận được quà Tết, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với người dân trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Gia đình anh Y Kiêm Niê ở xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Anh chị có hai người con gửi cho nhà ngoại chăm sóc để vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Bình quân một tháng anh chị dành dụm được 7 triệu đồng gửi về nuôi con ăn học. Thế rồi, dịch Covid-19 ập đến, cả hai vợ chồng mất việc làm phải dắt nhau về quê sinh sống, đã hơn ba tháng nay không có việc làm, không có thu nhập, phải sống nhờ gia đình bên vợ.

Mặc dù Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng trong nhà không có một thứ gì đáng giá, anh chị vẫn chưa xoay xở được tiền để mua quần áo mới cho các con đón Tết. Vì vậy, khi nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, anh chị rất vui mừng và cảm động. Anh Y Kiêm Niê xúc động nói: “Với gia đình tôi, số tiền 1 triệu đồng vào thời điểm này là quan trọng lắm. Tôi sẽ dành dụm mua các thực phẩm thiết yếu cho cả gia đình trong những ngày Tết và mua cho các cháu bộ quần áo mới để vui Tết với bạn bè. Sau Tết, vợ chồng tôi sẽ vào lại tỉnh Bình Dương kiếm việc làm, lo cho cuộc sống sau này”.

Để bảo đảm Tết ấm no đến với từng hộ dân trong làng, những ngày này, ông A In, làng O, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), tất bật đến từng nhà để vận động dân làng đóng góp gạo nếp, thịt, đậu xanh để nấu bánh chưng. Đến nay, công việc của ông A In đã hoàn tất, ông vui mừng chia sẻ: “Mình đã vận động được nhà thì nếp, nhà thì góp thịt, đậu xanh để trước Tết cả làng cùng ghé nhà rông của làng, cùng nấu bánh chưng chia cho các hộ nghèo, khó khăn, cùng ôn lại những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, hỏi han nhau nhân dịp Tết đến, Xuân về”. Là người có uy tín trong làng O, kết hợp với việc đi vận động đóng góp lo Tết cho các hộ nghèo, ông A In còn khuyên nhủ các hộ dân trong làng dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, phát quang chung quanh nhà, treo cờ Tổ quốc, không được nhậu nhẹt bê tha...

Tết nghĩa tình với đồng bào Tây Nguyên -0
Ông A In (thứ hai từ phải qua) ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đi vận động ủng hộ Tết cho đồng bào trong làng.

Đón chờ Tết đầm ấm, an vui

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk H’Kim Hoa Buôn Byă cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% trong số gần 1,9 triệu dân tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, giá cả các loại nông sản đều ở mức thấp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây khó tiêu thụ... ảnh hưởng rất lớn đời sống của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng tỉnh luôn quan tâm, chăm lo về mọi mặt cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào vùng khó khăn...

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động được 4.266 suất quà, mỗi suất quà trị giá 500 đến 600 nghìn đồng; đồng thời nhận được các nguồn hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các nguồn hỗ trợ khác với số tiền 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, các lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và các gia đình có người thân mất vì dịch Covid-19... Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, động viên, tặng quà... cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để gia đình nào cũng có điều kiện đón Tết đầm ấm, vui vẻ.

Ngay từ đầu tháng 1/2022, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch thăm hỏi, biểu dương các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 520 hộ đồng bào trên địa bàn 20 xã thuộc 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum được tổ chức thăm hỏi với trị giá tiền mặt là 1 triệu đồng/hộ.

Còn tại tỉnh Gia Lai, đón xuân năm mới, có lẽ không ai vui hơn bà con hai làng A Chông và Păleng (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bởi bà con đã được về nơi ở mới, không còn cảnh phải nơm nớp lo sợ cảnh ngập lụt nguy hiểm nơi thung lũng A Chông. Già làng A Nhu (làng A Chông) dẫn chúng tôi đi một vòng thăm nơi ở mới. Già cho biết, vì cũng mới chuyển về nên nhà cửa còn bề bộn nhưng giờ bà con không phải lo lắng nữa rồi. Được tạo điều kiện dời về chỗ mới cao ráo, sạch sẽ, nhà nào cũng có điện sáng. Vừa rồi lại được nhiều đơn vị đến tặng quà, tặng gạo... Tết năm nay bà con vui mừng, phấn khởi rồi.

Bí thư huyện ủy Chư Sê Nguyễn Hồng Hà cho biết, hai làng A Chông và Păleng, có 32 hộ dân. Do lịch sử để lại bà con sống ở vùng thung lũng nên thường xuyên bị đe dọa đến tài sản và tính mạng do mưa lũ. Số bà con này được đưa về trên cơ sở thực hiện dự án “Bố trí dân cư vùng thiên tai xã Ayun”. Huyện đã đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng quy hoạch diện tích gần 3,5 ha, bảo đảm cho hơn 150 nhân khẩu, với đầy đủ các công trình dân sinh như nhà văn hóa thôn, điểm trường, điện sinh hoạt, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông, cây xanh. Dự án cố gắng hoàn thành trước Tết Nguyên đán để bà con được đón Tết an toàn, ấm no tại nơi ở mới.

Tết cổ truyền năm nay diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đời sống của nhiều gia đình gặp khó khăn. Vì vậy, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng quan tâm đặc biệt. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đã thành thông lệ hằng năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho mọi người, mọi nhà.

“Năm nay, từ nguồn ngân sách bảo đảm xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 36.800 người có công, gia đình chính sách; hơn 39.200 đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 23.500 hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền hơn 45,5 tỷ đồng. Cùng với quà tặng của tỉnh, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tổ chức các chương trình ủng hộ, thăm hỏi và tặng quà Tết đối với các địa phương còn khó khăn”, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, bằng những hành động, việc làm thiết thực, mừng Xuân đón Tết, đồng bào trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên tạm thời quên đi những khó khăn vì đại dịch Covid-19 để đón một cái Tết ấm áp, đầy đủ. Từ đó, tạo niềm hứng khởi để vươn lên trong cuộc sống, hướng đến một năm mới tốt đẹp hơn, góp phần cùng địa phương hoàn thành tốt mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022.