Tết ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn

 Bài 2: Tạo sinh kế cho lao động trở về quê

Sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía nam, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đón nhận hơn 150 nghìn người dân về quê tránh dịch. Đến nay, ngoài những lao động đã quay trở lại các nhà máy, xí nghiệp làm việc, vẫn còn rất nhiều người có nguyện vọng tìm việc làm, định cư lâu dài ở quê.

Nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tiếp nhận các lao động trở về quê có tay nghề.
Nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tiếp nhận các lao động trở về quê có tay nghề.

Hơn bao giờ hết, vấn đề giải quyết việc làm cho các lao động này đang trở thành nhiệm vụ cấp bách cho các địa phương cũng như các bộ, ngành Trung ương.

Vui Tết gần, lo Tết xa

Sau gần nửa năm trở về quê tránh dịch, gia đình chị Nguyễn Thị Thông ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tìm được công việc ổn định trên chính mảnh đất “chôn rau, cắt rốn”. Tết Nguyên đán năm nay, gia đình chị không còn phải lo lắng tìm nơi gửi con trước mỗi giờ tăng ca; không còn phải sống trong những phòng trọ chật chội với bao nỗi ưu tư và sẽ không còn chột dạ khi nghĩ đến chuyện về quê…

Bao nỗi niềm của người lao động xa quê dường như được chị Thông gạt bỏ khi bắt tay vào cuộc sống mới tại quê nhà. Chị Thông cho biết: “Sau khi từ miền nam về quê, tôi may mắn tìm được việc làm ở xưởng may Văn Minh đóng trên địa bàn xã nhà. Nhờ có kinh nghiệm làm quản lý, điều hành sản xuất, nên tôi nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp và chiếm được niềm tin của người sử dụng lao động. Tuy mức lương gần 6 triệu đồng/tháng không bằng với mức thu nhập trước đây ở trong nam, nhưng chúng tôi rất yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại. Bên cạnh nơi sống ổn định, sau giờ đi làm, chúng tôi có thời gian ở bên cạnh bố mẹ, người thân và được tham gia các hoạt động xã hội với bà con làng xóm”.

Cùng chung nỗi niềm đó, chị Trần Thị Long, công nhân may tại Công ty TNHH Minh Luân ở xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) cho biết, trước đây cả hai vợ chồng chị đều làm việc ở Bình Dương, thu nhập cao hơn hiện tại, nhưng cũng chỉ đủ để trang trải tiền phòng trọ, tiền con cái học hành, chi tiêu và dư được một ít để tiết kiệm. Quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Nghệ An, nên dù cưới nhau đã tám năm, nhưng mới có hai cái Tết cả nhà chị về thăm quê, bởi mỗi lần về quê thì số tiền tiết kiệm bị vơi đi gần hết. Sau đợt dịch này, vợ chồng chị Long bàn bạc và quyết định sẽ không tha hương nữa.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa cho biết: Bên cạnh những người lao động trở về quê đã tìm kiếm được việc làm mới tại quê nhà, vẫn còn rất nhiều người chưa có công việc mới. Vì vậy, bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề, huyện Thạch Hà đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt những trường hợp chưa có việc làm, hoàn cảnh gia đình khó khăn để hỗ trợ, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần để các hộ dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm.

Theo đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, với mục tiêu tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân, địa phương đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và chủ động “trải thảm đỏ” thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư uy tín đến đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm cho người lao động.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, tính đến cuối năm 2021, trong tổng số 25 nghìn lao động trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay vẫn còn khoảng 18 nghìn người đang chờ cơ hội việc làm tại địa phương hoặc quay trở lại các tỉnh, thành phố nơi người lao động đã làm việc. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân trở về địa phương đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với chính quyền địa phương và cả người lao động.

Thay đổi để thích ứng

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) Nguyễn Thanh Hoài thông tin: Nhằm chủ động tạo sinh kế cho 3.000 lao động trở về quê do dịch Covid-19, huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc; thông qua ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Khu kinh tế Đông Nam, các doanh nghiệp để kết nối, giới thiệu việc làm. Nhờ đó, đã giải quyết được nhu cầu việc làm cho khá nhiều lao động trở về quê.

Nghệ An là địa phương có nhiều lao động về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các huyện miền núi phía tây tỉnh. Không trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc, người dân các huyện miền núi khi trở về quê tận dụng thế mạnh ở địa phương để sản xuất nông nghiệp, phát triển trang trại, chăn nuôi, vườn rừng…

Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Dềnh Bá Lồng cho biết, là địa phương có 100% đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ đói nghèo trên 72%, thời gian qua có gần 600 người từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về quê. Để giải quyết việc làm cho số lao động này, xã kết nối với huyện để giới thiệu những lao động có kinh nghiệm đến làm việc tại các khu công nghiệp ở các huyện đồng bằng trong tỉnh.

Bên cạnh đó, xã kêu gọi cộng đồng và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp địa phương triển khai đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập ổn định cho công dân nghèo trở về từ vùng dịch. Thông qua việc kêu gọi hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cùng vốn đối ứng để phát triển các vùng sản xuất chè shan tuyết, chăn nuôi bò vàng, gà đen, lợn bản địa…, xã đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 130 hộ dân. Đến nay, xã đã cấp 14 con bò, 600 con gà đen giống cho người dân; giống chè cũng đã được chuẩn bị để đầu xuân có thể trồng được ngay.

Ông Lỳ Chứa Ca ở bản Trung Tâm có con gái Lỳ Y Hải (sinh năm 1995) mới trở về từ Công ty cao-su Bình Phước vui mừng cho biết: Nhờ được hỗ trợ 300 con gà đen giống, gia đình động viên Lỳ Y Hải nuôi gà thật mau lớn để bán lấy tiền vào dịp Tết; sau đó, tiếp tục mua lợn và bò để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các địa phương khác của huyện rẻo cao Kỳ Sơn như các xã Na Ngoi, Mường Lống còn phối hợp các doanh nghiệp phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển các cây, con đặc sản, trồng chè shan tuyết, cây ăn quả… Nhiều lao động trở về quê được hỗ trợ vay vốn, con giống, kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt…

Theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương, lao động có kinh nghiệm, có trình độ, lại ở các huyện đồng bằng, nơi có nhiều nhà máy thì việc tìm kiếm việc làm tương đối thuận lợi. Riêng lao động ở các huyện miền núi phía tây Nghệ An do phải di chuyển vài trăm cây số xuống các huyện đồng bằng làm việc với thu nhập được 5-7 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí thuê nhà, ăn uống tốn kém, thì vẫn muốn đi vào nam hoặc đi ra bắc để có thu nhập cao hơn.

Để hóa giải khó khăn này, về lâu dài các huyện miền núi Nghệ An cần tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp ở miền xuôi, vừa phát huy thế mạnh về đất, về rừng để giải quyết việc làm cho số lao động trở về quê cũng như vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Văn Hòe, để các đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đạt kết quả, thì người lao động cũng phải mất nhiều tháng mới có thu nhập…Vì vậy trước mắt, Trung ương trợ cấp gạo dịp trong và sau Tết Nguyên đán để người dân vượt qua khó khăn. Từ đó, xây dựng phương án, huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí, cây, con giống; đào tạo nghề, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi phù hợp với tình hình địa phương.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20/1/2022.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ