Tâm huyết, trách nhiệm với những bức xúc của người dân

Trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đã và đang có những dấu hiệu và diễn biến phức tạp, nội dung KNTC liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó chủ yếu là bức xúc về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... Số lượng vụ việc trong nhiều thời điểm ngày càng gia tăng, không chỉ tăng ở số lượng đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng mà còn tăng cả về các vụ việc đông người. Thực trạng nêu trên đang đặt ra những đòi hỏi và thách thức không nhỏ đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền.

Bài 1: Nỗ lực giải quyết những bức xúc của người dân

Một trong những thực trạng đáng được quan tâm và cần có những giải pháp kịp thời là nhiều vụ việc mà người dân KNTC để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích của Nhà nước đã được cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận và tiếp tục tiến hành KNTC lên cấp cao hơn. Vì vậy, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, làm rõ những vấn đề người dân chưa hiểu ngay tại cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng để hạn chế tình trạng KNTC vượt cấp, gây bức xúc dư luận. 

Giải quyết bức xúc từ cơ sở

Tại tỉnh Quảng Ninh, trong sáu tháng đầu năm nay, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp hơn 4.000 lượt công dân (giảm 13,27%), với 2.420 vụ việc (giảm 18,24%); có 66 đoàn đông người (giảm 45,45%), với 65 vụ việc công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh (giảm 47,15% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng số đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh đã tiếp nhận, xử lý là 5.478 đơn (giảm 19,17%) so với cùng kỳ năm 2019. Qua phân loại, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp là 201 đơn khiếu nại (giảm 37,5%), 36 đơn tố cáo (tăng 111,7% so với cùng kỳ năm 2019). Còn lại là các đơn kiến nghị, đơn phản ánh, đơn trùng lặp nội dung, đơn nặc danh hoặc đơn không rõ nội dung và địa chỉ của người KNTC. Về kết quả giải quyết khiếu nại, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp là 300 vụ việc, có 99 vụ việc từ kỳ trước chuyển sang (giảm 31,97%). Ðã giải quyết được 205 trong số 300 vụ việc, trong đó, khiếu nại đúng chiếm 6,34%; khiếu nại sai chiếm 56,09%; khiếu nại có đúng, có sai chiếm 8,79%; 42 vụ việc công dân xin rút đơn chiếm 20,49%... Về kết quả giải quyết tố cáo, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 37 vụ việc, đã giải quyết được 28 vụ việc. Ðáng chú ý, các cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã có nhiều đổi mới trong phương pháp, cách thức làm việc với công dân, với mục tiêu tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Trong một số trường hợp khi giải quyết đơn thư của công dân còn bị chậm về mặt thời gian, cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản xin lỗi gửi tới công dân. Nội dung này đã đem lại hiệu quả tốt trong công tác giải quyết đơn thư KNTC nửa đầu năm 2020 với tỷ lệ vụ việc công dân rút đơn cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và các văn bản chỉ đạo về giải quyết KNTC của cấp trên đã có chuyển biến tốt về thời gian, nhất là ở một số địa phương có nhiều đơn thư như Hạ Long, Uông Bí.

Tại tỉnh Nam Ðịnh, một trong những điểm nhấn thời gian qua là Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức rà soát lại các vụ KNTC, kiến nghị, phản ánh còn tồn đọng, nhất là các vụ tồn đọng kéo dài (chủ yếu là các vụ việc về đất đai, chiếm khoảng 85% đến 90%), xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, trách nhiệm giải quyết, trách nhiệm phối hợp giải quyết. Chánh Thanh tra tỉnh Vũ Minh Lượng cho biết: Năm 2017, sau khi rà soát các vụ việc tồn đọng; Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành thông báo giao nhiệm vụ cụ thể cho giám đốc sở, chủ tịch UBND huyện, thành phố giải quyết từng vụ việc với thời hạn giải quyết cụ thể. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban tiếp công dân của tỉnh, giám đốc các sở thuộc các lĩnh vực phát sinh nhiều đơn, thư như: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ tịch UBND các huyện, thành phố báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết từng vụ việc tồn đọng; Chủ tịch UBND tỉnh kết luận giao nhiệm vụ cho từng sở, UBND từng huyện...

Qua thực tế công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư KNTC cho thấy, những năm qua Trụ sở tiếp công dân của Thanh tra Bộ Công an là một trong những nơi nhận được nhiều đơn thư và tiếp đón nhiều người, nhiều đoàn đông người. Trong hai năm 2018 và 2019, Trụ sở tiếp công dân Thanh tra Bộ Công an tiếp 1.854 lượt công dân, có 30 đoàn KNTC đông người, trong đó chỉ có tám đoàn thuộc trách nhiệm giải quyết của công an, 22 đoàn KNTC liên quan việc cưỡng chế, thu hồi, giải tỏa, đền bù đất đai không thuộc trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, những người đến KNTC và các đoàn đông người đều được cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Bộ đón tiếp, xử lý theo đúng quy định, tiếp nhận 22.389 đơn thư các loại, trong đó thuộc trách nhiệm giải quyết là 12.245 đơn chiếm 54,7%; đã phân loại xử lý theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an, chuyển đến Thủ trưởng Công an các đơn vị có thẩm quyền để giải quyết. Thanh tra Bộ Công an được giao kiểm tra, xác minh 145 đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng. Ðồng thời có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy kết quả giải quyết năm 2018 đạt 89,83%, năm 2019 đạt 90,64%. Riêng các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ xác minh đề xuất giải quyết đạt 100%.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng KNTC vượt cấp, trong đó có không ít vụ việc phức tạp, kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực tình hình an ninh, trật tự tại nhiều nơi trong thời gian qua. Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Ðỗ Văn Ðương: Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu một số cấp, ngành đối với công tác tiếp công dân chưa đầy đủ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chưa bảo đảm theo luật định. Theo đó, cấp tỉnh khoảng 70%, cấp huyện 50%, cấp xã không thống kê được, có nơi chỉ khoảng 10%. Nhiều cấp, ngành, người đứng đầu không tiếp dân định kỳ buổi nào, thường ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ là không đúng luật.

Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị nơi tiếp công dân ở cấp xã có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương số công dân đến trụ sở tiếp công dân cấp huyện không nhiều, nhưng vẫn có đơn thư gửi vượt cấp hoặc công dân đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh để phản ánh, khiếu nại. Hệ thống sổ sách ghi chép việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa được trang bị đồng bộ, ghi chép sơ sài, thiếu thông tin về kết quả giải quyết ảnh hưởng đến công tác đánh giá tình hình và cập nhật kết quả lãnh đạo, chỉ đạo nói chung.

Mặt khác, hệ thống chính trị cấp cơ sở còn có nơi, có đơn vị chưa coi trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình giải quyết KNTC, giải quyết chưa triệt để. Vẫn còn tình trạng công chức tiếp công dân ở một số đơn vị cấp huyện và cấp xã không nắm rõ quy định và trình tự tiếp công dân, chưa hiểu hết về nhiệm vụ tiếp công dân và không rõ về quy trình giải quyết KNTC. Do vậy, đã xuất hiện hiện tượng công dân đến trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh mà chưa qua cấp xã, cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp huyện chưa thật sự coi trọng đầy đủ và quan tâm đúng mức công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, có tâm lý ỷ lại cấp trên, nhất là trong giải quyết các vụ việc tập trung đông người, những thời điểm công dân khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh và lên Trung ương. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa cao; tinh thần, thái độ công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính còn gây ức chế cho người dân và doanh nghiệp. Việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trong nhân dân chưa thật sự hiệu quả, nhất là những quy định liên quan đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, công khai quy hoạch đất đai, xây dựng, việc thực hiện và giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên nêu vấn đề: Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân chưa được xây dựng, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cho nên một số vụ việc đã được Bộ Y tế thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại nhưng Ban Tiếp Công dân T.Ư, các bộ, ngành vẫn chuyển đơn về Bộ Y tế đề nghị xem xét, giải quyết. Ðiều này dẫn đến việc người dân liên tục đến Bộ Y tế yêu cầu giải quyết mặc dù đã được giải thích nhiều lần, gây khó khăn trong việc giải thích khi tiếp công dân. Luật Tiếp Công dân quy định: Trường hợp KNTC đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì người tiếp công dân giải thích, hướng dẫn để người đến KNTC chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và yêu cầu công dân chấm dứt việc KNTC. Tuy nhiên, thực tế quy định này rất khó thực hiện vì người tiếp công dân không có đủ cơ sở, điều kiện để xác định KNTC đó đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật hay chưa. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa để tạo thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân.

Theo dõi kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết KNTC, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục KNTC kéo dài. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng tiếp công dân thấp, tình trạng KNTC phức tạp, kéo dài gia tăng, không đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.

Việc quan tâm chỉ đạo trong công tác tiếp công dân từ phía lãnh đạo các cấp còn hạn chế. Ban tiếp công dân được kỳ vọng là nơi bước đầu giải quyết những bức xúc, lo lắng của người dân nhưng thực tế thì chưa đáp ứng được bởi gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, về quy định. Việc thành lập ban tiếp công dân tại các tỉnh chưa hiệu quả; các vụ việc chưa được địa phương quan tâm thật sự, cho nên có nhiều đơn thư vượt cấp…

(Còn nữa)

Ðinh Song Linh